Vẻ đẹp bình yên ở chùa Tam Chúc.
Tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các khu, điểm du lịch; đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cấp chất lượng hạ tầng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 1 khu du lịch, 12 điểm du lịch được công nhận; 5 khu, điểm du lịch được quy hoạch là khu, điểm du lịch trọng điểm.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng bảo đảm đủ nhu cầu lưu trú của các đối tượng khách du lịch. Với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn và gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch.
Nhiều khách du lịch khi đến Hà Nam đã chọn tuyến du lịch chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang, chùa Cây Thị mà theo họ rất ấn tượng. Chị Nguyễn Thị Mai Liên, một du khách người Hà Nội chia sẻ: “Sau chuyến trải nghiệm tại các điểm du lịch tâm linh ở Hà Nam, tôi thật sự bị thu hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, thanh tịnh của các ngôi chùa ở đây. Các điểm đến không có hiện tượng chào mời, chèo kéo khách. Đường sá rộng rãi, kết nối thuận tiện giữa các điểm đến. Mỗi điểm đến đã mang lại cho tôi một trải nghiệm, một cảm nhận khác biệt và thú vị.
Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch nhanh và bền vững, đến năm 2030, trở thành ngành kinh tế quan trọng, cùng với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch, các lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu có tiềm năng lớn trong việc định hướng khai thác phát triển du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tích cực tham mưu với tỉnh đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí có quy mô và chất lượng cao để nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, thu hút du khách.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Mai Thành Chung cho biết: Tỉnh Hà Nam đã ưu tiên tập trung đầu tư quy hoạch không gian di tích gắn với quy hoạch các khu, các loại hình, các tuyến du lịch, xây dựng thành các tuyến liên kết các điểm du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách tham quan, đặt trong mạng lưới liên kết du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hiện nay, các địa phương đang rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch-dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh; đồng thời, nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch lớn của cả nước để quảng bá; kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn về tỉnh; kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch văn hóa tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như Bái Đính-Tràng An-Tam Chúc, Chùa Hương-Tam Chúc, tuyến kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử-văn hóa đền Trần (Nam Định)…
Trong 9 tháng năm 2024, Hà Nam đón 4,2 triệu lượt khách về tham quan, du lịch (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng (tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2023).
Vượt qua nhiều địa phương nổi tiếng trên thế giới về du lịch, năm 2023, Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”; năm 2024, Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á và Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu châu Á.
Những giải thưởng ý nghĩa này đã khẳng định tiềm năng, sức hấp dẫn về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa của Hà Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân địa phương.
Đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Hà Nam đã quy hoạch các khu vực cho phát triển du lịch cũng như phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang nét riêng của từng địa phương.
Với quyết tâm đưa địa phương trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của Vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, là điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-vui chơi-giải trí-sáng tạo-nhân văn, Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tổng hợp khoảng 10% GRDP của tỉnh.
Đề xuất một số giải pháp để du lịch Hà Nam phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, sẵn có, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng: Tỉnh cần tăng cường công tác ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh địa phương; đồng thời, tập trung cải thiện, nâng cấp hạ tầng du lịch gồm hệ thống khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du khách bởi đây là yếu tố then chốt quyết định chất lượng của sản phẩm du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết