“Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, một lần nữa đặt ra yêu cầu doanh nghiệp trong nước chủ động, sẵn sàng bảo đảm kết nối quốc tế trong mọi tình huống, đưa Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu của khu vực.
Thi công xây dựng trạm cập bờ tuyến cáp quang biển tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Kết nối quan trọng
Đến cuối tháng 6-2024, có 3/5 tuyến cáp quang biển kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố (Intra Asia - Liên Á; APG - Asia Pacific Gateway; AAE-1 - Asia Africa Euro-1), ảnh hưởng lớn đến lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, nhất là vào giờ cao điểm. Nhiều người dùng internet phản ánh không truy cập được, hoặc truy cập rất chậm khi dùng các ứng dụng, dịch vụ đặt máy chủ tại nước ngoài. Để khắc phục phần nào tình trạng này, bên cạnh tối ưu mạng lưới, các nhà mạng trong nước đều mở thêm kết nối quốc tế khác để bảo đảm dịch vụ cho khách hàng. Đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết, theo thông báo của đối tác nước ngoài, phải đến tháng 9-2024 mới sửa chữa xong 2/3 tuyến (APG, AAE-1).
Việc có nhiều tuyến cáp quang biển bị sự cố cùng lúc không phải là hiếm. Đầu năm 2023, 4/5 tuyến cáp quang biển kết nối internet Việt Nam đi quốc tế bị đứt và phải đến đầu tháng 6-2023 việc sửa chữa mới hoàn tất. Hiện tại, Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế, ngoài IA, APG và AAE-1 còn AAG (Asia America Gateway) kết nối châu Á với Mỹ, SMW-3 (Se-Me-We-3) kết nối khu vực Đông Nam Á với Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, hai tuyến (SJC2 - South East Asia Japan 2 Cable System và ADC - Asia Direct Cable) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng tham gia đầu tư, kế hoạch khai thác giai đoạn 2022-2023, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin.
Mặc dù hay gặp sự cố, nhưng đến nay, cáp quang biển vẫn được coi là hạ tầng quan trọng kết nối internet quốc tế. Trên thế giới, cáp quang biển chiếm tỷ lệ chủ yếu trong hạ tầng kết nối viễn thông. So với đầu tư cáp quang đất liền, cáp quang biển có những ưu điểm vượt trội, như sử dụng bờ biển của quốc gia, không phụ thuộc vào nước khác; chất lượng dịch vụ cao hơn; chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp hơn…
Song, có một thực tế là số lượng tuyến cáp quang biển của Việt Nam còn ít. Các nước trong khu vực, như Singapore có 30 tuyến cáp quang biển, Malaysia có 22 tuyến, Thái Lan có 10 tuyến. Còn với các nước phát triển, Mỹ có 93 tuyến, Anh có 56 tuyến, Pháp có 23 tuyến, Nhật Bản có 27 tuyến. Điều này cho thấy, mức độ bảo đảm về hạ tầng phục vụ kết nối internet quốc tế cho người dùng trong nước hiện ở mức thấp.
Thêm 10 tuyến cáp quang biển mới đến năm 2030
Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Trong khi đó, việc phát triển trung tâm dữ liệu và cáp quang biển phải luôn song hành với nhau.
Theo Viettel IDC, các dự báo cho thấy, thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây sẽ có sự tăng trưởng rất cao tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức tăng trưởng chậm hơn (chỉ tăng 1,5 lần, trong khi các nước Indonesia, Malaysia tăng tới 6 lần). Nguyên nhân là kết nối cáp quang biển vừa thiếu, vừa không ổn định, khiến dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam chưa bùng nổ như kỳ vọng.
Trước thực tế này, trong “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, mục tiêu được đặt ra là hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (digital hub).
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang biển mới được đưa vào hoạt động, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên 15 tuyến, với dung lượng ít nhất là 350 Tbps…; trong đó đến năm 2027 thêm 4 tuyến mới đưa vào hoạt động, giai đoạn 2028-2030 thêm 6 tuyến mới; duy trì kết nối tối đa 90% dung lượng cáp quang trên biển tới 4 digital hub lớn lân cận trong khu vực châu Á; duy trì kết nối dự phòng 10% dung lượng cáp quang trên biển tới 2 digital hub lớn tại các khu vực châu Mỹ, châu Âu. Đáng chú ý, trong 10 tuyến cáp quang biển mới, có ít nhất 2 tuyến do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp tới những digital hub trong khu vực.
Về tầm nhìn đến 2035, chiến lược nêu rõ, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tới siêu lớn.
Hiện, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó tập trung phát triển hạ tầng cáp quang biển và 5G. Được biết, các tập đoàn: Viettel, VNPT, FPT từ đầu năm 2024 cũng đã có kế hoạch tham gia đầu tư các dự án cáp quang biển, với mục tiêu tăng cường khả năng kết nối internet đi quốc tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Gửi phản hồi
In bài viết