Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc thôn Tấu Lìn chia sẻ, điều may mắn và vinh dự nhất là căn nhà nhỏ của mình gần cạnh căn lán ngày xưa Bác Hồ đã ở và làm việc. Thế nên việc trông coi, gìn giữ bảo vệ cũng như kể những câu chuyện về Bác cho người dân luôn là nhiệm vụ mà ông thực hiện với tất cả niềm thành kính. Bà con Tấu Lìn ai nấy cũng hiểu được niềm vinh dự lớn lao khi núi rừng nơi đây đã ôm ấp chở che Bác Hồ những tháng ngày kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi ở và làm việc tại thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên (Sơn Dương) thì ngày 4-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở, làm việc tại Khuổi Tấu nay là thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày tháng ở Khuổi Tấu, Bác đã có nhiều hoạt động quan trọng. Điển hình như: Ký sắc lệnh khen thưởng, trả lời phỏng vấn các nhà báo Việt Nam và nước ngoài, viết thư gửi chính phủ Cao Miên giải phóng, viết thư gửi giám mục Lê Hữu Tử nhân dịp lễ thiên chúa giáng sinh. Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 1 năm ngày toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi và gửi tới đồng bào chiến sỹ cả nước...
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Ban mặt trận Tổ quốc thôn Tấu Lìn (bên trái) cùng người dân
nói về ngày tháng Bác đã ở và làm việc nơi đây.
Theo lời kể của người dân nơi đây, những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí giúp việc ở nhà đồng chí Đặng Nguyên Minh - một cơ sở cách mạng từ năm 1939. Để đảm bảo bí mật, các đồng chí giúp việc làm cho Bác một căn lán nhỏ cách nhà đồng chí Đặng Nguyễn Minh khoảng 200 m về hướng Tây Bắc.
Mở đầu ngày tháng làm việc tại căn lán nhỏ vào ngày 7-12-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 612/MDB về việc khen thưởng các Chủ tịch và Ủy viên kháng chiến kiêm hành chính cấp xã, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày toàn quốc kháng chiến.
Ngày 8-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn các nhà báo Việt Nam và nước ngoài về việc gặp gỡ giữa Vĩnh Thụy với Cao ủy Pháp Bollar. Người nói: “Chính phủ và nhân dân ta rất mong cố vấn Vĩnh Thụy không có những hành động trái ngược với những lời cố vấn đã thề trước Tổ quốc và trước đồng bào, trái với nguyện vọng của dân tộc. Dù sao vận mệnh của dân tộc sẽ không vì một người hoặc một nhóm người mà thay đổi”.
Cùng ngày, Người viết thư gửi giám mục Lê Hữu Từ nhân dịp lễ thiên chúa giáng sinh, Người chúc Giám mục “mọi sự lành” để lãnh đạo đồng bào công giáo tham gia kháng chiến và chuyển lời chúc phúc của Người tới toàn thể đồng bào công giáo.
Ngày 12-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi chính phủ Cao Miên giải phóng, nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Ủy ban giải phóng Việt - Miên - Lào nhằm mục đích theo đuổi đến cùng cuộc chiến đấu chung chống đế quốc và thực dân. Bức thư có đoạn: “Tôi tin chắc rằng các dân tộc ta đã sẵn có một tinh thần đấu tranh, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ thì thắng lợi thế nào cũng về ta và chúng ta nhất định thế nào cũng giành được độc lập cho đất nước”.
Ngày 19-12-1947, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi và gửi tới đồng bào chiến sỹ cả nước. Người kêu gọi các tầng lớp đồng bào, chiến sỹ cả nước hãy ra sức phấn đấu, đóng góp cho kháng chiến và trịnh trọng tuyên bố: “Chính phủ Hồ Chí Minh quyết lãnh đạo nhân dân để tranh lại quyền thống nhất và độc lập. Chính phủ Hồ Chí Minh quyết thực hiện nhiệm vụ vẻ vang mà quốc dân đã giao cho và quyết không phụ lòng tin cậy mà đồng bào đã đặt vào Chính phủ”. Cùng ngày Người ký Thông tư gửi cán bộ “về việc cử các nhân viên làm việc đắc lực để khen thưởng”.
Ngày 21-12-1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến gặp Bác báo cáo thắng lợi của chiến dịch Thu đông 1947, sáng hôm sau đồng chí chào Bác lên đường sang thị xã Tuyên Quang dự lễ mừng chiến thắng.
Ngày 22-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài kỷ niệm giải phóng quân Việt Nam nêu lên sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam từ Giải phóng quân đến Vệ quốc quân. Người căn dặn “vệ quốc quân, dân quân, du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức trí, dũng, kiên, trung của giải phóng quân”.
Người tiếp tục viết lời kêu gọi tướng sỹ vệ quốc quân, dân quân du kích nhân cuộc vận động luyện bộ đội lập chiến công, ngày 23-12-1947 đăng trên báo Vệ quốc quân số 16. Người nêu rõ ý nghĩa cuộc vận động luyện bộ đội lập chiến công do Bộ Tổng chỉ huy Quân đội phát động và kêu gọi cán bộ, chiến sỹ phải thi đua giết giặc lập công...
Người đặc biệt quan tâm đến đồng bào công giáo, đúng ngày Lễ Giáng sinh, ngày 24-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng báo công giáo nhân dịp thiên chúa giáng sinh. Người chúc “Toàn thể đồng bào công giáo được chúa ban phát” và mong rằng “Giáo công như lương, đoàn kết kháng chiến để tổ quốc được độc lập tôn giáo được tự do”.
Đến ngày 28-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Khuổi Tấu, xã Hùng Lợi chuyển đến ở và việc tại Bản Ca, xã Bình Trung, Chợ Đồn, Bắc Kạn.
Ngày tháng nơi đây Bác đã thực hiện nhiều nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Ban mặt trận Tổ quốc thôn Tấu Lìn chia sẻ rằng, theo lời nhiều người già kể lại, căn lán Bác ở được làm cạnh vách đá bên bờ suối Khuổi Tấu. Lán làm theo kiểu nhà đất, có 2 gian nhỏ, gian trong làm sàn cao 60 cm, lát bằng phân nửa đan nóng mốt, đây là nơi nghỉ ngơi của Bác. Còn gian ngoài kê bàn ghế để Bác làm việc. Lán ở vị trí đảm bảo an toàn, lán được làm dưới tán cây rừng, phía trước nhìn ra khe suối, phía sau dựa vào vách đá.
Thời điểm Bác ở và làm việc nơi đây, bà con Tấu Lìn luôn có ý thức phải bảo vệ Bác, giữ bí mật việc Bác ở lán, bất cứ ai hỏi cũng phải nhớ thực hiện “3 không”: không nói lộ về lán của Bác, việc đi lại của Bác; không nghe những việc không liên quan đến mình; và nếu gặp ai dù người quen hay lạ có hỏi về Bác thì cũng phải trả lời không biết”.
Đồng chí Linh Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi chia sẻ, di tích Lán Bác Hồ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Xã thường xuyên có những hoạt động cho thế hệ trẻ về nguồn, thăm di tích. Từ đó giúp các em hiểu rõ hơn tháng ngày Bác sống và làm việc nơi đây, thêm tự hào về truyền thống cách mạng, phấn đấu học tập và dựng xây quê hương ngày càng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết