Mô phỏng hình ảnh tàu vũ trụ Parker Solar Probe bay vào bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời. (Nguồn: NASA/Reuters)
Theo NASA, vào ngày 24/12, tàu Parker Solar Probe đã tiến sát cách bề mặt Mặt trời chỉ 6,1 triệu km, tiến sâu vào vùng vành nhật hoa - phần khí quyển ngoài cùng của Mặt trời. Đây là bước tiến chưa từng có nhằm giúp các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về ngôi sao gần Trái đất nhất.
Tín hiệu từ tàu vũ trụ được đội vận hành tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins (Maryland, Mỹ) nhận được ngay trước nửa đêm ngày 26/12, theo thông tin từ NASA. Dữ liệu chi tiết về trạng thái hoạt động của tàu dự kiến sẽ được gửi về Trái đất vào ngày 1/1/2025.
Trong lần tiếp cận này, tàu Parker Solar Probe di chuyển với tốc độ lên tới 692.000 km/giờ và chịu được nhiệt độ khắc nghiệt lên đến 982 độ C.
NASA cho biết, việc tiếp cận gần như vậy sẽ giúp tàu Parker Solar Probe thu thập dữ liệu quan trọng về cách vật chất trong vành nhật hoa được làm nóng tới hàng triệu độ, truy nguyên nguồn gốc của gió Mặt trời - dòng vật chất liên tục thoát ra từ Mặt trời, và giải thích cách các hạt năng lượng cao được tăng tốc tới tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
"Chúng ta đang viết lại sách giáo khoa về cách Mặt trời hoạt động, nhờ những dữ liệu quý giá từ tàu Parker Solar Probe", tiến sĩ Joseph Westlake, Giám đốc chương trình nghiên cứu vật lý Mặt trời của NASA chia sẻ.
Ông Westlake nhấn mạnh: “Nhiệm vụ này đã được đề xuất từ những năm 1950. Đây là một thành tựu phi thường khi con người có thể tạo ra công nghệ cho phép chúng ta tiến sâu vào khám phá cách Mặt trời vận hành".
Tàu Parker Solar Probe được phóng lên vũ trụ năm 2018. NASA đã tận dụng các lần bay qua sao Kim của Parker Solar Probe để dần dần kéo tàu vào quỹ đạo gần hơn với Mặt trời.
Ông Westlake cho biết, nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị cho các lần bay tiếp cận tiếp theo trong giai đoạn mở rộng của sứ mệnh, với hy vọng ghi lại những sự kiện đặc biệt trong vùng vành nhật hoa.
Gửi phản hồi
In bài viết