Tập trung thu hoạch lúa xuân

- Lúa xuân đang bước vào giai đoạn chín rộ, bà con nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh tập trung nhân lực, huy động máy móc tiến hành thu hoạch. Vụ Xuân năm nay, mặc dù thời tiết bất thuận song năng suất lúa bình quân ước đạt khoảng 60 tạ/ha, tương đương năm ngoái.

Lúa chín đến đâu thu hoạch hết đến đó

Thời điểm này, diện tích trà chính vụ lúa đã vào chắc, một số địa phương gieo cấy sớm như Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình lúa đã chín, người dân đang tranh thủ những hôm thời tiết nắng ráo, khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, hạn chế tổn thất nếu không may thiên tai xảy ra.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa xuân.

Ông Nguyễn Xuân Đấu, thôn Gốc Lát, xã Chi Thiết (Sơn Dương) chia sẻ, những trận mưa dông cuối tháng 4 đầu tháng 5 ảnh hưởng rất lớn đến diện tích lúa của thôn, trong đó có gia đình ông. Theo ông Đấu, vụ xuân này gia đình ông gieo cấy hơn 2 mẫu, đúng vào thời kỳ vào chắc thời tiết đổ mưa dông, trận mưa ngày 30-4 đã làm nhiều đám đổ rạp, hạn chế tổn thất, ông đã phải buộc dựng lên. Rất may ngay khi mưa dông đi qua, trời hửng nắng, lúa chín nhanh. Lúa chín đến đâu gia đình đã thuê máy gặt đến đó, những diện tích đổ máy không làm được gia đình đã đổi công tiến hành gặt tay. Ráo riết thu hoạch 3 ngày liên tiếp, hơn 2 mẫu ruộng đã thu hoạch xong. Năm nay thu hoạch có phần vất vả nhưng đổi lại năng suất vẫn đảm bảo ước đạt khoảng 2 - 2,2 tạ/sào, có phần nhỉnh hơn vụ xuân năm 2023 ông Đấu phấn phởi chia sẻ.                 

Ông Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương, phụ trách xã cho biết, vụ xuân 2024, xã Chi Thiết gieo cấy 150 ha, vượt 10% kế hoạch, trận mưa dông cuối tháng 4 đầu tháng 5 đã làm nhiều diện tích lúa bị đổ, ngập úng. Bảo vệ năng suất, sản lượng lúa đơn vị đã phối hợp với xã đôn đốc người dân khơi thông dòng chảy, hệ thống kênh mương tiêu thoát nước; buộc chống những diện tích đổ rạp đồng thời thăm đồng thường xuyên theo dõi, lúa chín đến đâu tiến hành thu hoạch ngay đến đó hạn chế thấp nhất tổn thất do thiên tai gây ra. Đến thời điểm này, 85% diện tích lúa xuân của xã Chi Thiết đã được thu hoạch, năng suất ước đạt 61 tạ/ha nhích hơn vụ xuân năm 2023.

Tại Hùng Mỹ, Tân Thịnh, Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Thổ Bình (Lâm Bình) không khí thu hoạch lúa xuân diễn ra khá nhộn nhịp, những thửa ruộng lúa trĩu bông, lá vẫn còn xanh nhưng vẫn được người dân thu hoạch khẩn trương. Vụ xuân năm nay, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) gieo cấy trên 150 ha lúa, theo người dân phản ánh thì lúa ít sâu bệnh, chỉ có một số khu vực bị gây hại cục bộ. Qua kiểm tra và đánh giá của xã, năng suất bình quân toàn xã ước đạt 62 tạ/ha. Nhiều hộ gia đình trong xã đã chủ động đưa máy gặt đập liên hoàn vào gặt lúa, bảo đảm tiến độ sản xuất vụ mùa.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm nay năng suất lúa toàn tỉnh sẽ tăng hơn, do năm nay tương đối thuận lợi về nguồn nước, cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, lúa trỗ đều, chắc bông, chỉ số ít diện tích bị đổ rạp gây khó khăn trong quá trình thu hoạch.

Chưa thuê được máy người dân thôn Cây Lát, xã Chi Thiết (Sơn Dương) dùng máy cắt cỏ gặt lúa để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, hạn chế tổn thất nếu không may gặp mưa.

Chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa

Song song với thu hoạch trà chính vụ, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương đôn đốc người dân thăm đồng theo dõi diện tích trà muộn, phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh gây hại bảo vệ năng suất, sản lượng lúa. Theo  đồng chí Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, khoảng 7.000 - 8.000 ha trà muộn đang làm đòng và trỗ, người dân cần thường xuyên thăm đồng, giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa nhằm hạn chế tác động của nắng nóng; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và sâu bệnh hại trên đồng ruộng, dự báo của cơ quan chuyên môn để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng. Lưu ý các đối tượng sâu, bệnh hại trên lúa như: Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… Bên cạnh đó thực hiện nghiêm yêu cầu của ngành, lúa chín đến đâu thu hoạch ngay đến đó, bởi thời tiết năm nay rất phức tạp, mưa dông liên tiếp xảy ra, nguy cơ tổn thất là rất cao.

Tập trung thu hoạch lúa xuân các địa phương cũng đôn đốc người dân nhanh chóng tiến hành làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón để sản xuất vụ mùa, đặc biệt là những địa phương có truyền thống làm vụ 3.

Khuyến cáo từ các kỹ sư nông nghiệp khoảng cách từ vụ xuân đến vụ mùa ngắn do đó người dân nên làm đất kỹ, đặc biệt là những diện tích đã bị ngập úng để diệt trừ sâu, bệnh hại; căn cứ vào đặc điểm, điều kiện sản xuất của từng địa bàn, khu vực để áp dụng kỹ thuật gieo, cấy cho phù hợp với chất đất, chọn giống lúa trong cơ cấu giống của tỉnh. Tại những vùng đã xuất hiện lúa cỏ (còn gọi là lúa ma) như: Yên Sơn, Sơn Dương người dân cần chuyển đổi hình thức từ gieo thẳng sang cấy để kiểm soát diệt trừ lúa cỏ hiệu quả. Đối với những diện tích ruộng một vụ không chủ động được nước tưới chuyển đổi sang các cây trồng khác.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục