Các cụ ngày xưa đã chọn thời điểm qua Tết thời tiết ấm dần lên, bầu trời trong trẻo, nhằm ngày mồng 3-3 âm lịch là Tết Thanh minh. Tết Thanh minh nói nôm na là ngày “cắt cỏ và đắp đất lên mộ”. Việc nhà nhà đi tảo mộ vào ngày này, nhất là các thành viên trong dòng họ biết được khu mộ của ông bà tổ tiên, anh em họ hàng, từ đó càng tăng tình đoàn kết, hiểu được chữ “cây có cội, nước có nguồn”.
Tết Thanh minh nhà nhà đều làm bánh trôi, bánh chay để cúng.
Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” để chỉ về ý nghĩa nhân văn đó. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Tết Thanh minh không chỉ có ở người Kinh mà ở các dân thiểu số khác cũng có. Ngoài điểm chung thì phong tục Tết Thanh minh của mỗi dân tộc có khác nhau chút ít. Ông Nguyễn Văn Thắng, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, Tết Thanh minh của người Kinh cũng là hình thức đi sửa mộ, đắp mộ. Nếu là những ngôi mộ đã được xây thì quét vôi, lăn sơn. Còn mộ ốp gạch men, đá thì lau chùi dọn dẹp sạch sẽ. Người Kinh cúng Tết thanh minh thường đơn giản hơn các dân tộc khác, có hoa quả, đồ mặn, vàng hương, rượu, bánh trôi, bánh chay.
Còn đối với đồng bào Tày xứ Tuyên Tết Thanh minh là một ngày hệ trọng của năm nên mọi công việc phải chuẩn bị kỹ càng từ nhiều hôm trước, trong đó không thể thiếu món bánh trôi, chay, bánh trứng kiến, xôi ngũ sắc. Những món bánh ăn lạnh tiêu biểu của Tết hàn thực.
Đồng bào Tày Chiêm Hóa có phong tục mỗi dòng họ chọn địa táng theo từng khu. Người ta chặt vài tàu lá cọ rải ra trước khu mộ tổ để góp lễ vật cúng chung. Ông trưởng tộc hay người cao tuổi uy tín trong dòng họ thay mặt mọi người hành lễ, báo cáo tổ tông. Sau đó, các gia đình tỏa đi từng nhánh để phát cây, rẫy cỏ, đắp mộ, quét vôi, lăn sơn. Họ bày lễ vật bên cạnh ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, người thân để thắp hương cúng. Cũng có nghi lễ rót nước, mời rượu. Điều đặc biệt mỗi ngôi mộ đều được cắm một vài bông hoa giấy màu và một cây nêu báo hiếu trên cành tre. Người ta cũng không quên mang một cây hoa từ nhà lên mộ trồng. Khi hành lễ xong, các tuần hương đã tàn, ông trưởng tộc cho hóa vàng. Đồng thời báo cáo kết quả việc quy tập, tu sửa mồ mả trong những năm qua và phương hướng trong thời gian tới, ý kiến đóng góp của các hộ. Cuối cùng cả họ cùng ăn bữa cơm đoàn viên.
Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong năm của đồng bào Tày.
Ở Tuyên Quang dân tộc Sán Dìu tập trung đông ở các xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế (Sơn Dương). Ông Lục Văn Bảy, một thày cúng cao tay người Sán Dìu ở xã Ninh Lai khẳng định, người Sán Dìu có phong tục “nhất táng thiên thu - tức người chết chỉ chôn một lần, không cải táng như dân tộc khác”. Do vậy, Tết Thanh minh là dịp tốt để con cháu chăm sóc “nhà cửa” của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã khuất. Người Sán Dìu thường chọn đi tảo mộ vào ngày 1-3 âm lịch hàng năm, trước ngày chính 3 ngày. Bởi mộ của người Sán Dìu thường không tập trung, khoảng cách giữa các mộ rất xa, nên việc tảo mộ có thể mất cả ngày, thậm chí hai ngày mới xong. Người dân tộc Sán Dìu tảo mộ rất tỉ mỉ, sau đó họ treo 5 cán cờ nhỏ có dán giấy hình nhân với màu sắc rực rỡ ở bốn góc mộ và chính giữa mộ. Mộ nào có nhiều cờ hình nhân treo lên 5 cán thì chứng tỏ người đó có đông con, đông cháu. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu ở mộ gồm có 5 nắm xôi đen, 5 con cá trôi trắng nướng, 5 chén rượu.
Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Tết Thanh minh gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Gửi phản hồi
In bài viết