“Mối lương duyên” mới đã nối dài những nỗ lực của các hãng xe Trung Quốc trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Thực tế, “lính mới” Chery không phải là cái tên quá xa lạ.
Cách đây 14 năm, hãng xe Trung Quốc này từng hợp tác với Công ty ô tô Hòa Bình (VMC) để lắp ráp một số ô tô giá rẻ, tuy nhiên, sau khoảng 5 năm thì chấm dứt do tình hình kinh doanh ảm đạm.
Vì vậy, lần trở lại thứ hai của Chery nhận được sự chú ý của giới chuyên môn. Theo công bố, nhà máy giai đoạn 1 sẽ khởi công vào quý II-2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng vào quý III-2025, ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV-2025. Tổng giá trị gói đầu tư khoảng 800 triệu USD.
Với kinh nghiệm 27 năm tham gia chuỗi cung ứng linh kiện và liên doanh sản xuất xe với Honda, Geleximco có thể đóng góp tích cực trong phát triển thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng.
Liên doanh mới đi vào hoạt động suôn sẻ cũng là bàn đạp để Chery và Geleximco xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng, còn nhiều rào cản phía trước.
Trước hết, chính làn sóng xe ô tô Trung Quốc ở Việt Nam có thể tạo sức cạnh tranh lớn. Từ cuối năm 2022, công ty ô tô quốc tế Thượng Hải (SAIC) sau một thời gian phân phối xe MG qua đối tác Malaysia Tanchong, đã quyết định trực tiếp vào Việt Nam.
Tháng 2-2023, TMT Motors của Việt Nam thông báo ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh GM - SAIC - Wuling. Tới tháng 8-2023, thị trường tiếp tục đón thêm ba tên tuổi Trung Quốc khác, gồm tập đoàn Trường Thành (GWM) với xe Haval được đưa vào Việt Nam; Lynk & Co phân phối thông qua công ty con liên doanh với thành viên của SAVICOl; và Haima thâm nhập thị trường qua kênh phân phối của Carvivu.
Sự đổ bộ dồn dập của các nhà sản xuất Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh năng lực tiêu thụ xe trong nước vẫn còn hạn chế. Dung lượng thị trường ô tô Việt Nam hằng năm đạt khoảng 400.000 xe. Trong khi đó, chỉ riêng hai "ông lớn" lắp ráp xe ở Việt Nam là TC Motor và THACO đã có thể đạt công suất hơn 320.000 xe, chưa kể đến hàng loạt tên tuổi khác như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mitsubishi Motors Việt Nam… Nói cách khác, nếu không tính toán cẩn trọng, dư thừa nguồn cung dễ xảy đến.
Mặt khác, dù không phủ nhận sự đổi mới về mặt công nghệ và thẩm mỹ, nhưng thiện cảm của người tiêu dùng với dòng xe Trung Quốc chắc chắn chưa cải thiện “một sớm một chiều”. Để lội ngược dòng thành công, Chery chắc chắn phải đột phá trong hoạt động tiếp thị, cũng như cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ.
Dù thế nào, việc Chery trở lại Việt Nam là một diễn biến thú vị. Thực tế, nhà sản xuất Trung Quốc này đã có bước đi cẩn trọng, thể hiện bằng việc đã bỏ ra gần 2 năm chuẩn bị, thăm dò thị trường.
Gửi phản hồi
In bài viết