Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử trong chương trình Ngày hội mua sắm trực tuyến.
Nguyên nhân bởi trong quản lý lĩnh vực TMÐT vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, cần nghiên cứu để có công cụ quản lý phù hợp bản chất hoạt động của từng loại hình, giúp làm trong sạch môi trường kinh doanh, tránh thất thu thuế cho Nhà nước, cũng như giữ được niềm tin của người tiêu dùng (NTD) dành cho TMÐT.
Phát triển nóng, nhưng thiếu khuôn khổ pháp lý
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô của hoạt động kinh doanh TMÐT. Theo thống kê của Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường TMÐT Việt Nam năm 2020 tăng trưởng ấn tượng với mức 18%, quy mô đạt gần 12 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, quy mô sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD. Tuy nhiên, "sân chơi" lớn này đang bị các đối tượng lợi dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của NTD, thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nguyên nhân bởi, thị trường này hiện đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý các loại hình TMÐT khác nhau. Ở đây, TMÐT trên các mạng xã hội có cách thức hoạt động thường phức tạp hơn do không có đơn vị trung gian đứng ra quản lý người bán, đồng kiểm soát hàng hóa đăng bán nên phần lớn các mặt hàng này thường là nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ.
Là một nhân viên văn phòng với quỹ thời gian khá eo hẹp, chị Nguyễn Thị Thu Hương trú tại khu đô thị Linh Ðàm (Hà Nội) thường có thói quen mua sắm online trên các sàn TMÐT hoặc trên trang Facebook. Trong một lần "săn sale" tại livestream (phát trực tiếp) của một trang Facebook, chị đã mua được một đôi dép đi trong nhà, chất liệu bằng sợi chiếu thoáng mát với giá 149 nghìn đồng, bằng một nửa so giá gốc theo như quảng cáo. Sau khoảng bốn ngày, hàng đã được "ship" đến tận cơ quan cho chị. Dù đã rất quen với việc mua hàng online nhưng lần này chị Nhung khá bất ngờ vì nhận được sản phẩm không giống hình quảng cáo. Thay vào đó, chị nhận được một đôi dép nhựa rẻ tiền chỉ đáng giá vài chục nghìn đồng nếu mua ngoài chợ, thậm chí cỡ đôi dép mà chị nhận được là 41, to hơn tới 4 cỡ mà chị đã chọn. Rất bức xúc và phản hồi với phía bán hàng, nhưng đến nay yêu cầu của chị vẫn chưa được giải quyết với lý do chị không quay clip và chụp lại hình ảnh khi mở gói hàng để đối chứng. Hay với trường hợp của anh Tiến Ðạt, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), không ít lần "dở khóc, dở cười" khi mua hàng qua các sàn TMÐT dựa vào tiêu chí đánh giá "5 sao" dưới sản phẩm, bởi sản phẩm có nhiều sao là sản phẩm được đánh giá tốt. Theo lời anh Ðạt, cách đây một tháng, anh có tìm trên sàn TMÐT Shopee để mua một chiếc máy mát-xa chân có chức năng sục, làm nóng nước về để dùng. Sau khi đọc hết các nhận xét về sản phẩm cũng như so sánh mức giá, anh đã chọn mua của một shop được cho là "uy tín" vì có nhiều lượt đánh giá 5 sao với mức giá rẻ hơn 60 nghìn đồng so với nhiều shop khác. Thế nhưng, khi nhận được máy, dù đọc rất kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, anh không thấy máy có chức năng sục, làm nóng nước như quảng cáo, mà chỉ có hai con lăn mát-xa hai bên chân. Ðem cục tức này lên các group (nhóm) Facebook về săn hàng sale Shopee để hỏi thì được biết, các lượt đánh giá 5 sao hoặc shop yêu thích đều có thể hack (gian lận) được nên các yếu tố này chỉ để tham khảo trước khi mua.
Có thể thấy, do tính chất đặc thù của TMÐT khi người mua và người bán không gặp mặt và chỉ liên lạc trên môi trường mạng, nên hàng giả, hàng kém chất lượng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Ðể bán được nhiều hàng, các đối tượng thường dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook với giá sản phẩm rất rẻ, kèm theo lời mời chào hấp dẫn để thu hút người mua hàng. Các đối tượng còn lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội Facebook, Zalo hay sàn TMÐT, khai báo thông tin, đăng ký hoạt động không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng còn dùng thủ đoạn sử dụng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo hoặc nói rằng chỉ "dành tặng" mức giá "hời" cho một số người may mắn nhất nếu thanh toán trước nhằm lôi kéo, đánh trúng tâm lý NTD có nhu cầu nhưng chỉ muốn bỏ ra mức tiền vừa phải. Tuy nhiên thực tế đến khi nhận hàng, NTD lại "cay đắng" nhận ra mình đã mua phải những món hàng giả, kém chất lượng với giá "trên trời".
Nhận diện bất cập để khắc phục
Hiện nay, xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối hàng hóa đang có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TMÐT, hoạt động của mạng xã hội đã được xây dựng chủ yếu từ năm 2013. Do các quy định này được xây dựng ở giai đoạn đầu của TMÐT, rất nhiều vấn đề chưa được đề cập hoặc được quy định rất chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc đang gây không ít khó khăn trong quá trình áp dụng. Hơn nữa, thực tiễn hoạt động TMÐT trên in-tơ-nét phát triển quá nhanh nên nhiều quy định đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những điểm khác biệt nổi bật giữa TMÐT trên mạng xã hội và sàn TMÐT là đến nay các mạng xã hội chưa có chức năng đặt hàng trực tuyến. Người mua và người bán vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để "chốt đơn". Trong khi đó, các sàn TMÐT có quy trình khép kín khi có chức năng đặt hàng trực tuyến và cho phép giao dịch được hoàn tất trên môi trường mạng từ khâu đặt hàng cho đến khâu vận chuyển và giao hàng. Do đó, công tác quản lý hoạt động có yếu tố TMÐT trên mạng xã hội cần có những khác biệt với các loại hình TMÐT khác để phù hợp bản chất của hoạt động này và có tính khả thi trong thực tế khi triển khai.
Theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ðậu Anh Tuấn, mặc dù trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, nhưng hành lang pháp lý để xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMÐT vẫn chưa theo kịp tình hình thực tế. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện những bất cập trong việc quản lý mạng xã hội và TMÐT để tiến hành rà soát và dự kiến cần được điều chỉnh sửa đổi trong thời gian tới theo hướng siết chặt khung pháp lý, tăng nặng hình thức xử phạt. Bởi thực tế, khung pháp lý quản lý hoạt động TMÐT hiện vẫn áp dụng chung cho cả mạng xã hội và sàn giao dịch TMÐT mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần phân loại quản lý hoạt động có yếu tố TMÐT trên mạng xã hội theo mức độ và tính chất hoạt động. Các mạng xã hội thông thường chỉ nên chịu sự quản lý của các quy định về mạng xã hội, còn với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến phải được quản lý theo pháp luật về TMÐT, tương tự như sàn giao dịch TMÐT để kiểm soát được tốt hơn. Ngoài ra, với hoạt động có yếu tố TMÐT xuyên biên giới, các cơ quan quản lý cần nắm vững cơ chế hoạt động của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để xây dựng các quy định quản lý hoạt động của các nền tảng này một cách hiệu quả, hợp lý và khả thi.
Có thể nói, TMÐT đã tạo ra một xu thế mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Ðồng thời, nó cũng được ví như chiếc "phao cứu sinh" giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn của biến động thị trường. Tuy nhiên, với sự thay đổi liên tục của công nghệ đã khiến các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trong hoạt động TMÐT diễn ra ngày càng tinh vi, với nhiều mô hình mới, có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức khiến việc phát hiện, xử lý trở nên khó khăn hơn. Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả TMÐT, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát thị trường và "đầu vào" của hàng hóa. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý phù hợp tình hình thực tế, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe mới có thể làm trong sạch môi trường kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường TMÐT trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết