Các quan chức bầu cử đếm phiếu bầu tại quận Lam Luk Ka, tỉnh Pathum Thani trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3/2019.
(Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Thông báo về ngày tổ chức Tổng tuyển cử được EC đưa ra chỉ một ngày sau khi Hạ viện Thái Lan giải tán và sau khi các ủy viên Ủy ban thông qua mốc thời gian được đề xuất.
Cũng theo thông tin từ EC, các ứng cử viên cho 400 ghế hạ viện theo khu vực bầu cử sẽ phải tiến hành đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 7/3, tại một số địa điểm nhất định. Từ ngày 4 đến ngày 7/4 là thời gian để các ứng cử viên cho 100 ghế Hạ nghị sĩ theo danh sách đảng phái nộp đơn đăng ký tới EC.
Bên cạnh đó, các đảng phái cũng phải đệ trình lên EC danh sách các ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng vào ngày 7/3. Theo Hiến pháp Thái Lan, mỗi đảng phái chính trị được phép đề cử ba ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng.
Sau cuộc bầu cử ngày 14/5, các thành viên trúng cử của Hạ viện Thái Lan sẽ cùng các Thượng nghị sĩ bầu ra một Thủ tướng Chính phủ mới từ danh sách các ứng cử viên mà các đảng đề cử. Thủ tướng mới sẽ cần phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu, tức hơn một nửa số thành viên của hai viện Quốc hội.
EC cho biết, những công dân có đủ điều kiện và mong muốn được bỏ phiếu sớm có thể đăng ký nguyện vọng của mình từ ngày 27/3 đến ngày 13/4. Những cử tri không thể bỏ phiếu có thể thông báo vắng mặt và lý do không bỏ phiếu từ ngày 7/5 đến 13/5 và từ 15/5 đến 21/5.
Phát biểu trước báo giới ngày 21/3, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói: “Đã đến lúc tiến tới, hướng tới cuộc bầu cử” và khẳng định chính phủ của ông vẫn sẽ điều hành đất nước với tư cách chính phủ lâm thời.
Trong nhiều tuần qua, các chiến dịch tranh cử không chính thức đã được các đảng phái rầm rộ tiến hành trên khắp đất nước. Phần lớn các đảng đều tập trung vào các vấn đề kinh tế nhằm tìm cách thu hút sự quan tâm của 52 triệu cử tri Thái Lan.
Gửi phản hồi
In bài viết