Nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động khi lệnh phong tỏa được áp đặt tại 29 tỉnh. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)
Ngày 18/8, trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Bangkok, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul cho biết, theo ước tính của TCC, chỉ tính riêng giai đoạn 8 tháng đầu năm 2020, Thái Lan sẽ thiệt hại khoảng 800 tới 1.000 tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) do các biện pháp phong tỏa, hạn chế để ngừa Covid-19.
Còn nếu Chính phủ Thái Lan kéo dài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tới tháng 9, tổng thiệt hại mà nước này phải gánh chịu có thể vượt quá mức 1.000 tỷ baht.
Theo ông Sanan, các doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ Thái Lan nâng mức nợ công từ 60% GDP lên 65% trong năm nay để đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế, cung cấp các biện pháp cứu trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như không để nền kinh tế bị thiệt hại thêm nữa.
TCC kêu gọi Chính phủ xem xét lại sắc lệnh về việc chi tiêu khoản vay 500 tỷ baht nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang yếu kém trong quý 3. Ông Sanan cho biết, TCC cũng đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đề nghị Chính phủ Thái Lan vay thêm 1.000 tỷ baht để giải quyết những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế và thúc đẩy triển vọng phát triển kinh tế dài hạn.
Ông nói: “Chính phủ cần tăng tốc việc chi tiêu càng nhanh càng tốt. Cho tới nay, rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động và rất nhiều trong số đó đang chờ đợi các biện pháp cứu trợ từ chính phủ để giúp họ khôi phục lại hoạt động. Nếu có thêm nhiều doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa, thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn và sẽ rất khó để bù đắp thiệt hại một khi các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động”.
Trong khi đó, ông Tanapoln Tunpasit, lãnh đạo Nhóm Ẩm thực Thái và Trung Quốc trực thuộc tập đoàn Central Restaurant, cho rằng, việc kéo dài các biện pháp phong tỏa tại 29 tỉnh thuộc “vùng đỏ” tới ngày 31/8 chắc chắn sẽ giáng thêm một đòn mạnh cho các nhà hàng. Ông nói: “Chúng tôi ngày càng lo ngại về hoàn cảnh của những người làm việc trong các nhà hàng. Việc kéo dài lệnh phong tỏa chắc chắn sẽ tác động tới rất nhiều nhóm lao động, từ nông dân trồng rau cho tới các công ty sản xuất gia vị và vận chuyển”.
Còn bà Kessara Thanyalakpark, Giám đốc điều hành Tập đoàn bất động sản Sena Development cho rằng, lệnh phong tỏa kéo dài đến hết tháng 8 sẽ gây ra tác động tiêu cực tới nhu cầu mua nhà của người dân. Bà nói: “Số người bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa, thí dụ như chủ sở hữu, nhân viên hay các nhà cung cấp, là rất lớn. Với việc phong tỏa kéo dài tới 60 ngày, họ chắc chắn sẽ không còn tâm lý muốn mua nhà”.
Bà Kessara nói rằng, lệnh phong tỏa kéo dài cho thấy tình hình dịch Covid-19 ở Thái Lan vẫn còn rất tồi tệ với số ca nhiễm mới và ca tử vong hằng ngày cao. Kịch bản này có thể còn diễn ra cho tới tháng 9.
Gửi phản hồi
In bài viết