Được thiên nhiên ưu đãi, Thái Nguyên sở hữu nhiều cảnh quan đẹp như suối thác, hang động, sông hồ; khí hậu trong lành, mát mẻ, điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển các loại cây trồng và vật nuôi, tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị và những mô hình nông nghiệp có sức hút đối với du khách; nhiều di sản văn hóa có giá trị đặc sắc được bảo tồn, gìn giữ... Đó chính là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch nông thôn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: Những năm gần đây, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đã dần khẳng định được thương hiệu và hình ảnh, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh đã và đang tập trung xây dựng và khai thác 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn từng bước được đầu tư, khai thác. Một số điểm du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như: Không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên), Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa... Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang hình thành, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà như xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công).
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế để phát triển hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn tại Thái Nguyên, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập cần khắc phục, đó là: Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa đa dạng, hấp dẫn; các điểm đến chưa được đầu tư đúng tầm để thu hút khách...
Việc phát triển tự phát có thể khiến du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn hoạt động kém hiệu quả và thiếu bền vững. Vì thế, tại tọa đàm, các đại biểu, doanh nghiệp đã thảo luận tìm giải pháp cụ thể để phát triển bền vững, chuyên nghiệp mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn ở Thái Nguyên cũng như những hoạt động phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và các địa phương khác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng hiến kế để Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn như: Cải tạo cảnh quan gắn với bảo tồn không gian văn hóa truyền thống; tăng trải nghiệm cho du khách gắn với không gian văn hóa trà và các vườn cây ăn quả; đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh thu hút đối tượng học sinh từ các địa phương gắn với hoạt động du lịch học đường; tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến trên các trang mạng xã hội...
Gửi phản hồi
In bài viết