Theo tài liệu lưu tại di tích, tháng 12-1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) và một số cán bộ đã chuyển từ Quế Lâm về Tĩnh Tây và thuê ngôi nhà này. Đến năm 1941, sau khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, nơi đây trở thành trụ sở của Mặt trận Việt Minh, nơi triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức phong trào cách mạng ở trong nước; đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh. Cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều tác phẩm thơ bất hủ và các văn kiện cách mạng quan trọng, trong đó có thư “Kính cáo đồng bào” được Người viết vào ngày 6-6-1941, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đánh đuổi Pháp - Nhật xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang (hay Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây) là ngôi nhà hai tầng được xây bằng gạch. Kiến trúc có sự pha trộn hài hòa giữa phong cách Trung Hoa và phương Tây, chính giữa là một giếng trời rộng, chia ngôi nhà thành hai khối, ở giữa có cầu thang bằng gỗ. Trên lầu có phòng ngủ và phòng làm việc của Người.
Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây bề ngoài trông giản dị, gần gũi như bao ngôi nhà khác trên phố Tân Sinh. Bên trong là nơi trưng bày gần 300 bức tranh, ảnh, tượng, phù điêu cùng nhiều hiện vật, bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình Người hoạt động ở Quảng Tây. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày chân dung và tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí đã gắn bó với Người trong quá trình hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong...
Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây là một trong những di tích quan trọng ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đóng góp của đồng bào dân tộc Choang ở Tĩnh Tây đối với phong trào cách mạng Việt Nam, là minh chứng lịch sử về mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam qua nhiều thế hệ. Vì thế, tháng 2-2015, chính quyền thành phố Tĩnh Tây đã xếp hạng nơi đây là Đơn vị bảo vệ di tích văn hóa cấp quận. Ngày 13-12-2017, chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã công bố nơi đây là Đơn vị bảo vệ di tích văn hóa cấp khu tự trị.
Gửi phản hồi
In bài viết