Ngày 9-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144). Thực hiện đầy đủ Quy định số 144, mỗi cán bộ, đảng viên ở Tuyên Quang đã thấm nhuần sâu sắc và thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách tự giác, thường xuyên như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”, để vượt qua được mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá" , góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
|
Gần 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương), anh Lý Văn Súa nhận thức sâu sắc rằng: Mọi việc muốn thuận lợi, thành công chỉ khi phát huy được sức mạnh tập thể như lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Những năm qua, bằng uy tín, trách nhiệm của mình, anh Súa đã tạo dựng nhịp cầu kết nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cán bộ, đảng viên trong thôn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân trong mọi công việc. |
Theo anh Súa, muốn hòa giải tốt, phải chỉ ra được cái sai so với quy định, giải thích cho bà con hiểu thì mới hóa giải được mâu thuẫn. Là người luôn đặt cái chung của tập thể lên trên, lên trước, nên tiếng nói có trọng lượng của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Súa đã tháo gỡ được nhiều “nút mắc” ở cơ sở, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn. Trước đây trên địa bàn xã Đông Thọ có 19 hộ gia đình và 105 nhân khẩu theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an xã thực hiện các hoạt động “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân, bí thư chi bộ thôn Tân An Lý Văn Súa cũng là người đã sát cánh bên các đồng chí công an. Sau khi được tuyên truyền, vận động, đến nay các hộ đã tự nguyện ký cam kết chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, chú tâm vào phát triển kinh tế. Nhân dân trong thôn đã trồng được hơn 100 ha keo, hơn 10 ha mía. Trung bình mỗi gia đình nuôi từ 2 đến 5 con trâu, bò nhốt chuồng, tạo nguồn thu nhập. |
Sau khi tình hình an ninh ổn định, anh Lý Văn Súa vận động bà con sẻ chia tấm lòng nhân ái, tham gia xây dựng nhà mới cho những hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, ở thôn Tân An đã xóa 21 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và kinh phí tự lực của hộ dân, Nhân dân trong thôn đã hỗ trợ hơn 400 ngày công giúp các hộ nghèo làm và sửa chữa nhà ở. Việc hỗ trợ này giúp các hộ gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống và thể hiện tấm lòng yêu thương, đùm bọc, tình đoàn kết trong thôn. |
Với những điều đã làm được, vừa qua anh Lý Văn Súa đã được tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận, giai đoạn 2018-2023 của Bộ Công an. Bằng khen của Bộ Công an một lần nữa khẳng định anh Súa là một đảng viên gương mẫu, có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm và có nhiều thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. |
Ở bà Hải có thể thấy rõ hình ảnh của một người phụ nữ Việt Nam điển hình, trung hậu, đảm đang, kiên cường, bất khuất. Khí chất của bà mạnh mẽ nhờ thời gian trui rèn trong quân ngũ, bà là bộ đội chuyên nghiệp, nhập ngũ và đóng quân tại Hà Giang vào lúc cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt nhất. Đến tận bây giờ, khi tham gia huấn luyện dân quân việc cầm súng, tháo lắp súng với bà vẫn vô cùng nhuần nhuyễn, quen thuộc. Bà làm bộ đội chuyên nghiệp đến thập niên 80 thì trở về địa phương và chính tại quê hương bà đã phát huy được hết bản lĩnh, sức sáng tạo của mình. Bà làm chi hội trưởng phụ nữ liên hợp tác xã, học y tế thôn bản rồi phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình. Bà biết đỡ đẻ, lại khéo tuyên truyền nên ở thôn khi ấy nhà nào cũng thực hiện kế hoạch hóa, chỉ sinh đủ 2 con là thôi. Thấy bà năng động, nhiệt huyết, chi bộ cử bà đi học lớp đảng viên mới, năm 1998, bà vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhờ dân vận khéo, hiểu lòng dân, bà được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ và sau đó là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Thành trong suốt 14 năm, từ 2000 đến 2014. Thời điểm ấy, khi về dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh bà là nữ chủ tịch duy nhất ở cấp xã. |
Sau khi về hưu, trước tấm lòng, sự nhiệt huyết của bà, người dân ở thôn Thuốc Hạ 1 đã bầu bà làm Trưởng thôn, bởi với người dân nơi đây, việc gì khó đã có bà Hải. Gia đình nào có việc khó khăn bà đều hết lòng giúp đỡ, những xích mích, cãi cọ bất hòa bà đứng ra hòa giải để cuộc sống trong thôn hiền hòa, yên ấm. Năm 2023, khi dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giải phóng mặt bằng đoạn đi qua thôn, bà lại tất bật đến từng nhà tuyên truyền vận động. 30 gia đình có đường đi qua đất sản xuất, 1 gia đình phải di dời nhưng tất cả đều nhận tiền đền bù trước thời điểm đề ra. Khi được hỏi về bí quyết nào để hoàn thành việc vận động nhanh và hiệu quả như vậy, bà Hải cười xòa: “Như tôi nói từ đầu ấy, mình phải làm trước, gia đình tôi cũng có hơn 2.000m2 đất nông lâm có đường cao tốc đi qua, tôi đi đầu đăng ký nhận tiền đền bù đồng thời hiến 200m2 đất cho nhà nước. Tại các cuộc họp thôn tôi bảo với bà con, có con đường cao tốc lợi ích gấp trăm, gấp ngàn lần đất nhà mình bây giờ, có đường đi qua là cơ hội phát triển của thôn, của xã, giúp cuộc sống ngày một nâng cao hơn”. Bà con thấy bà nói phải, ai cũng chủ động phối hợp đo đất, nhận đền bù. |
Trong thôn có 5 ngôi mộ cần di dời, từ trước đến nay di chuyển mồ mả luôn là một chuyện tâm linh, nhạy cảm, đặc biệt với người dân nơi đây có phong tục đào sâu, chôn chặt, bà cùng với Ban Công tác Mặt trận thôn đã đi vận động, tuyên truyền đến từng hộ, từng người thân của người đã mất. Ngày nhận được cái gật đầu đồng ý của các gia đình, bà cũng tự mình cầm cuốc, cầm xẻng cùng với đội thợ hỗ trợ các gia đình di chuyển mộ về địa điểm mới theo đúng phong tục và nghi thức để ai cũng yên tâm. |
Suốt bao năm chưa từng ngơi nghỉ việc làng, việc nước, bà La Thị Hải vẫn cứ ngập tràn nụ cười trên môi bởi thứ đáng trân quý nhất bà nhận được chính là tình cảm của bà con trong thôn, trong xã. Ngày ngày bà vẫn cần mẫn lao động sản xuất, trồng cây ăn quả, nuôi gà, khi thôn có việc bà lại là người trưởng thôn, tổ trưởng tổ an ninh trật tự tận tình, gương mẫu. “Còn sức khỏe, còn sự tín nhiệm của bà con thì tôi còn “chiến” tiếp thêm nhiều năm nữa” – Người nữ cựu chiến binh, nữ đảng viên gần gũi trong lòng dân vẫn cứ thế, hết mình vì việc chung. |
“Khó mà kể hết các vai trò mà đồng chí Lê Thị Hoa ở thôn Húc đang đảm nhận vì đồng chí ấy “đa zi năng” lắm, việc gì cũng làm được và việc gì làm cũng giỏi”, Đồng chí Hà Kim Quốc Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) tự hào khi nói về đảng viên trẻ Lê Thị Hoa. Chị Hoa là Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự, là người phụ trách nhà văn hóa xã, phụ trách văn nghệ, Đội trưởng đội bóng đá nữ và là chủ nhân mô hình nuôi chim cu gáy thương phẩm cho thu nhập cao trên địa bàn. |
Bao nhiêu vai trò là bấy nhiêu công việc nhưng ở chị Hoa luôn tỏa ra năng lượng tính cực, lan tỏa và truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là cho phụ nữ trên địa bàn xã trong việc vươn lên làm kinh tế. Năm 2022, sau khi đi thực tế tìm hiểu mô hình nuôi chim cu gáy thương phẩm ở Hà Nội, chị đầu tư 300 lồng nuôi. Đặc điểm của chim cu là lớn nhanh, đẻ sai, cứ sau 7 ngày chim đẻ 1 lần, các lứa chim được nuôi gối nhau, chim con sau 1 tháng là có thể xuất bán sau khi đã mọc đủ lông, có cân nặng đạt chuẩn. |
Chị thành công ngay từ lần đầu nuôi bởi có sự nghiên cứu rõ ràng, tỉ mỉ, đồng thời có được kinh nghiệm từ việc nuôi chim bồ câu pháp trước đó. Chị Hoa chia sẻ: “Thấy tôi thành công, một số hộ trong thôn đã đến học tập và làm theo đều đã cho thu nhập ổn định. Nuôi chim cu gáy có lợi thế về thức ăn, loài này chủ yếu ăn thóc, chiếm 70% khẩu phần, còn lại là cám tổng hợp, thóc lúa đều do gia đình trồng được nên tiết kiệm chi phí. Sau 1 tháng nuôi, chim được xuất bán với giá 100 nghìn đồng/cặp. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 12 lứa mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng. Chim cu gáy hiện nay đều được chị xuất bán đi Hà Nội cho các nhà hàng đặc sản và rất được thực khách ưa chuộng”. |
Vất vả làm kinh tế nhưng trong công việc chung của thôn, của xã chị Hoa chưa bao giờ nề hà, có lẽ do đã từng là một thủ lĩnh đoàn nên sức trẻ trong chị luôn cháy bỏng. Những ai theo dõi giải bóng đá nữ các dân tộc huyện Chiêm Hóa vừa qua chắc không thể quên cái tên Lê Thị Hoa bởi nó đã lại một dấu ấn sâu đậm. Những đường chuyền khéo léo, những pha ghi bàn vang dội đã làm nức lòng khán giả và người hâm mộ, ít ai ngờ một cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, thanh mảnh lại là một cầu thủ cừ khôi như vậy. |
Mỗi khi thôn, xã có hoạt động văn nghệ, thể thao, chị Hoa là lại người đứng ra dàn dựng các tiết mục văn nghệ, những bài múa, bài nhảy dân vũ đầy sôi động và hấp dẫn. Từ khi vào Đảng năm 2018, chị luôn chứng minh được mình là một người đảng viên tiên phong, gương mẫu, ở chị, mọi người thấy được sự khiêm tốn, cầu thị, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực. |
Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã và đang đi vào cuộc sống. Những đảng viên tiên phong, gương mẫu như anh Súa, bà Hải, chị Hoa đã trở thành những “bông hoa đẹp”, những điển hình tiêu biểu để mọi người noi theo, họ luôn cống hiến, nỗ lực hết mình vì danh dự của người đảng viên, vì quê hương, đất nước. |
Gửi phản hồi
In bài viết