Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo, trách nhiệm cầm quyền, thực hiện sứ mệnh giai cấp và dân tộc. Vai trò, sứ mệnh ấy được xác lập và phát triển trên nền tảng trí tuệ sáng suốt, tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng và tổ chức chặt chẽ.
Trong đó, Người hết sức coi trọng việc giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Suốt cuộc đời nêu gương thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, từ việc nhỏ đến việc lớn, lời nói luôn đi đôi với việc làm, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng đạo đức cách mạng sáng ngời. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam.
Thực hiện lời căn dặn của Người, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vô cùng trong sáng, cao đẹp, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta không ngừng củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín, bằng bản lĩnh, trí tuệ, bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ 20, mở ra thời đại rực rỡ, huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh, tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay đặt ra những nhiệm vụ mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu cao đạo đức cách mạng, thật sự tiên phong, gương mẫu. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, đan xen, thậm chí có một số mặt diễn biến phức tạp hơn.
Công tác xây dựng Đảng về đạo đức có chuyển biến tích cực; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị quy định riêng về chuẩn mực đạo đức gắn với nhiệm vụ cụ thể, nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn diễn ra, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn còn nghiêm trọng. Đó là những thách thức đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tình hình ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng thống nhất, phù hợp điều kiện và yêu cầu mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày".
Chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay phải dựa trên cơ sở nền tảng lý luận Mác-Lê-nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các chuẩn mực cốt lõi: Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; nhân, nghĩa, trí, dũng; cần kiệm liêm chính; chí công vô tư; đoàn kết, trách nhiệm; dân chủ, kỷ cương; tiên phong, gương mẫu; học tập, rèn luyện, phấn đấu suốt đời… và không ngừng bổ sung những nội dung mới gắn với các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên, với yêu cầu của đất nước và thời đại.
Những chuẩn mực ấy có mối quan hệ biện chứng, gắn kết thành một thể thống nhất, tạo nên hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng tiêu biểu cho tư cách của người cán bộ, đảng viên.
Hôm nay, đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" là hoạt động ý nghĩa, thiết thực tỏ lòng kính yêu và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trên cơ sở hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng thống nhất, các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ, công việc cụ thể, để mỗi người "tự soi", "tự sửa", rèn luyện, tu dưỡng, đồng thời là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Những ý kiến tâm huyết tại hội thảo là đóng góp quý báu, trách nhiệm để xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có tư duy, khát vọng đổi mới, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, thật sự tiên phong, gương mẫu và có sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Trên cơ sở hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng thống nhất, các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ, công việc cụ thể, để mỗi người "tự soi", "tự sửa", rèn luyện, tu dưỡng, đồng thời là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Thực hành nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng thuận, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết