Các thành viên của tổ HNDNN trồng na thôn Làng Trà, xã Lực Hành được hỗ trợ
nguồn vốn 25 triệu đồng/thành viên để phát triển sản xuất.
Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 04, đến nay, toàn Hội đã vận động, thành lập được 13 chi HNDNN và 8 tổ HNDNN hội nghề nghiệp với tổng số 378 hội viên tham gia thuộc 19 xã, thị trấn. Các ngành nghề chủ yếu dựa trên các cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương: chăn nuôi trâu, bò; trồng rau an toàn, sản xuất lâm sản, nuôi ong lấy mật; trồng bưởi, trồng cây ăn quả, trồng, chế biến chè... Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Hội đã thành lập mới 6 chi hội và 1 tổ Hội nghề nghiệp tại các xã Nhữ Khê, Xuân Vân, Trung Môn, Phú Thịnh; 2 tổ HNDNN trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp xã Thái Bình nâng cấp thành 2 chi HNDNN với 43 thành viên.
Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, hiện còn 9 xã chưa thành lập được chi, tổ HNDNN, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những địa phương này chưa phát triển được cây trồng, vật nuôi chủ lực; hội viên phát triển kinh tế theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên khó khăn trong công tác tập hợp, thành lập chi, tổ HNDNN. Đa phần hội viên nông dân có nguyện vọng khi tham gia chi, tổ HNDNN để được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế nhưng nguồn vốn vay ưu đãi từ các dự án kinh tế, nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT rất hạn chế.
Chị Đặng Thị Niên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Minh bày tỏ, Hội có 8 chi hội, gần 450 hội viên; đa phần là hội viên dân tộc thiểu số, hộ hội viên nghèo và cận nghèo chiếm gần 70%. Mô hình kinh tế của hội viên nhỏ, lẻ. Trung bình hộ nuôi trâu, bò chỉ có từ 1 - 3 con; nuôi lợn từ 3 - 7 con, sản phẩm chủ lực địa phương không có. Bởi vậy, tổ chức Hội của xã chưa thành lập được tổ HNDNN. Nếu thành lập được cũng chỉ là hình thức, hiệu quả hoạt động không cao.
Theo anh Đinh Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Viện, qua rà soát, Hội Nông dân xã tập hợp, định hướng thành lập chi HNDNN sản xuất lâm sản với khoảng 15 thành viên. Nếu được thành lập, đi vào hoạt động, nhu cầu và nguyện vọng lớn nhất của các thành viên là được tiếp cận với nguồn vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nhu cầu ít nhất từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, qua tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT rất khó, nên chi HNDNN chưa thành lập được. Hiện nay, Hội Nông dân xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên; kết nối, tìm đầu ra sản phẩm cho ngành, nghề.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã định hướng, vận động thành lập chi, tổ HNDNN gắn với hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi phát triển mô hình kinh tế. Những chi, tổ HNDNN được chọn phải đáp ứng về yêu cầu số lượng thành viên. Mô hình kinh tế mỗi thành viên phải có tiềm năng phát triển. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Yên Sơn triển khai 3 dự án phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, trị giá 900 triệu đồng, 30 hộ nông dân thuộc 8 chi, tổ HNDNN. Trong đó, dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Phú Thịnh trị giá 400 triệu đồng, dự án chăn nuôi cá thương phẩm tại xã Tân Long trị giá 300 triệu đồng, dự án trồng và chăm sóc cây na tại xã Lực Hành trị giá 250 triệu đồng. Đây là nguồn vốn ít ỏi so với nhu cầu của các thành viên.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện xác định, sẽ định hướng, vận động thành lập chi, tổ HNDNN theo tinh thần tự giác, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, tuyệt đối không chạy theo số lượng, hình thức. Theo đó, nơi nào dễ làm trước, khó làm sau. Các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập các chi, tổ hội HNDNN, tạo tiền đề thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn xây dựng mô hình với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hội viên.
Gửi phản hồi
In bài viết