Anh Hứa Văn Hướng hướng dẫn công nhân cách phơi bún ngũ sắc hiệu quả.
Đồng chí Lương Huy Thuận, Bí thư Huyện đoàn Na Hang chia sẻ, xác định đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức Đoàn. Thời gian qua, nhiều chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp đã được triển khai với nhiều nội dung, hình thức. Hàng năm tổ chức Đoàn đều phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên, trung bình số có việc làm khoảng 160 người/năm. Để hỗ trợ vốn sản xuất, Huyện đoàn cùng các Đoàn cơ sở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác cho vay với 41 tổ tiết kiệm cho 1.419 hộ được vay, dư nợ trên 74 tỷ đồng. Đa số thanh niên được hưởng lợi từ nguồn vốn vay đều có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng định kỳ.
Anh Hoàng Văn Núi, xã Thượng Nông tốt nghiệp loại khá khoa Lâm Nghiệp, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Núi đã đi làm thêm ở một cơ sở sản xuất cây giống. Sau này về quê, Núi cũng bắt tay khởi nghiệp từ chính chuyên môn của mình với một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp cung cấp cho bà con quanh vùng. Nhận thấy ở Thượng Nông có nhiều đặc sản như: gạo nếp Khẩu Láng, chè Pắc Củng, men lá nấu rượu…
Hoàng Văn Núi quyết định thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông với 8 thành viên do anh làm Giám đốc. Anh Núi chia sẻ, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương với anh là điều vô cùng tâm đắc, tuy nhiên hiện nay khó khăn nhất của HTX vẫn là thiếu vốn để mở rộng vùng nguyên liệu, đặc biệt một số sản phẩm như sản phẩm men lá có nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên đang có nguy cơ thu hẹp do không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Anh Hứa Văn Hướng, thôn Phai Khằn, xã Đà Vị (Na Hang) sáng tạo và làm thành công bún ngũ sắc được khắp nơi tin dùng và thực khách vô cùng yêu thích. Anh kể, nhờ việc gắn tem OCOP 3 sao lên bao bì giúp sản phẩm bún khô Đà Vị tạo được lòng tin với khách hàng, nên đầu ra cũng rộng mở hơn. Để nâng cao năng suất làm bún, anh Hướng chủ động bàn bạc với các thành viên ứng dụng khoa học công nghệ chế biến bún khô bằng các máy ép thủy lực thay vì làm thủ công như trước, từ đó góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.
Anh Hoàng Văn Núi bên sản phẩm men lá của HTX Nông nghiệp Thượng Nông.
Các nguyên liệu tạo bún như gạo bao thai được trồng theo từng vùng với quy mô hơn 60 ha tại xã Đà Vị, các loại lá cây làm màu cho bún được trồng ngay trong vườn nhà. Đến nay, sản lượng bún hàng năm của HTX đều đạt trên 30 tấn, tạo việc làm ổn định cho 11 thành viên. Hiện, các loại bún giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg, thu nhập mỗi lao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với cương vị là Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đà Vị, Hướng dự tính, từ giờ đến Tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi năm trước, nhờ việc đã quen với khách hàng và nhu cầu tiêu dùng qua mạng xã hội tăng nhanh. Dự tính những tháng cuối năm, sản lượng cung cấp ra thị trường có thể đạt đến 7 - 8 tấn sản phẩm/tháng.
Mới đây, anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang đang thực hiện ý tưởng nuôi cá nước lạnh công nghệ cao tại xã Năng Khả. Anh tự tin cho biết, mô hình theo quy trình khép kín, cá tầm sẽ được cung cấp ô-xi bằng máy, chất thải hút bằng máy ra bể lắng và xử lý men vi sinh trước khi thải ra môi trường. Anh Hà bảo, nếu nuôi đúng kỹ thuật trọng lượng cá sau 2 năm có thể đạt 2,3 đến 2,5 kg/con, doanh thu trên bể nuôi 400 m2 có thể đạt trên 2 tỷ đồng. Thời gian tới để mở rộng quy mô sản xuất, anh mong muốn được chuyển mô hình sang thực hiện trên đất nuôi trồng thủy sản, và được cấp phép sử dụng nguồn nước để giảm bớt chi phí…
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn huyện Na Hang đã phát triển thêm 33 mô hình khởi nghiệp mới của đoàn viên, thanh niên, tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả, HTX Thủy sản Na Hang, HTX Nông nghiệp xã Đà Vị, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thượng Nông… và 4 mô hình Tổ hợp tác thanh niên tại xã Yên Hoa, Thanh Tương, Sơn Phú, Khau Tinh đang mang lại hiệu quả. Bí thư Huyện đoàn Lương Huy Thuận chia sẻ, tuy nhiên có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên vẫn chưa thành công do trình độ, kiến thức, kỹ năng của đoàn viên, thanh niên còn yếu; do tâm lý e dè, chưa dám làm, dám thất bại. Thời gian tới Huyện đoàn sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình liên quan đến khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên tự tin dám đứng lên lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết