Chị Tuyết tâm sự, trước đây chị theo học ngành Kế toán và có một thời gian công tác tại UBND xã Phú Thịnh. Vì ham mê và có một chút kinh nghiệm trồng cây nên chị đã tự tìm hiểu, lặn lội đi mua giống các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, táo, ổi để trồng thử nghiệm. Đam mê với cây trồng và công việc chăn nuôi nên đến đầu năm 2020, chị xin nghỉ công tác tại UBND xã để tập trung chăm lo, phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh chủ động nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây ăn quả từ sách vở, mạng Internet, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chị Tuyết cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi do huyện tổ chức. Hiện gia đình chị có gần 500 gốc cam Vinh, cam sành đang cho quả lứa đầu; 60 cây ổi giống Đài Loan đang cho thu hoạch; 60 gốc táo. Đến nay, thu nhập từ trồng cây ăn quả trung bình đạt trên 100 triệu đồng/năm. Chị còn tận dụng đất gia đình để đào 2 ao nuôi thả cá, chủ yếu là các loại cá trắm, cá trôi, cá chép, cá mè… Mỗi năm từ đánh bắt cá cho thu nhập 100 triệu đồng. Với hơn 5 ha rừng keo đạt tiêu chuẩn FSC, mỗi lần khai thác cho thu từ 150 - 200 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Đoàn xã trong việc tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi nên chị đã có cơ hội để vươn lên phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Chị Trần Thị Huệ, Bí thư Đoàn xã Phú Thịnh (Yên Sơn) cho biết, không chỉ có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả, đoàn viên Nguyễn Thị Tuyết còn mở rộng chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi dê dưới tán rừng. Chị Tuyết thực sự là một điển hình trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp có hiệu quả, đem lại thu nhập cao để đoàn viên, thanh niên địa phương noi theo.
Gửi phản hồi
In bài viết