Tuyến du lịch đường thủy từ Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến Khu du lịch Vàm Sát (huyện Cần giờ) thu hút du khách tham quan.
Trong đó, ý kiến trăn trở nhất vẫn là quy hoạch bến bãi đường thủy nội địa, độ tĩnh không của các cây cầu trên sông Sài Gòn cũng như hệ thống sông, rạch thành phố thực hiện quá chậm; thậm chí chưa được cơ quan quản lý và địa phương quan tâm, rà soát, công bố thông tin khiến các doanh nghiệp khai thác du lịch cũng như hoạt động vận tải hành khách phải bỏ cuộc hoặc “loay hoay” không có lối ra.
Nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội khai thác du lịch đường thủy trong khi tiềm năng về hệ thống đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn.
Ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn cho rằng, thực trạng thành phố hiện nay là “có sông, có thuyền mà không có bến”. Kể cả có bến mà không có khách vì thiếu hạ tầng đi kèm thì làm sao thành phố phát triển du lịch đường thủy. Đây chính là thiệt hại thấy rõ đối với nền “kinh tế sông nước” của thành phố.
Chia sẻ câu chuyện thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương cho biết: Trước đây, công ty khai thác tuyến du lịch đưa khách từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Vàm Sát (huyện Cần Giờ) nhưng do độ tĩnh không cầu của tuyến sông này quá thấp nên công ty đành phải bỏ tuyến, ngưng hoạt động.
Từ thực tế này, ông Lâm đề nghị Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành liên quan phải thông tin về quy hoạch những câu cầu sắp và sẽ xây dựng như cầu Thủ Thiêm 4 để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch đường thủy.
Theo Phòng Vận tải đường thủy - Sở Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh gồm 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913km. Trong đó tuyến hàng hải là 11 tuyến với chiều dài 229,2km; tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 5 tuyến với 126,1km; tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 83 tuyến với 555km.
Thành phố Hồ Chí Minh còn có lợi thế của 4 tuyến sông chính, gồm: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng với hệ thống sông, kênh, rạch tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố chính là điều kiện rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch bằng đường thủy. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch có năng lực tài chính của Thành phố, mong muốn phát triển du lịch đường thủy.
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, có không ít hạn chế khiến mô hình du lịch và vận tải đường thủy của thành phố gặp nhiều khó khăn. Đó là, hiện nay thành phố chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, các công trình phụ trợ liên quan phục vụ phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.
Việc thực hiện triển khai cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện còn chậm tiến độ báo cáo theo chỉ đạo.
Ông Bùi Hòa An cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố sẽ chú trọng phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy theo hướng đa dạng các sản phẩm du lịch đường thủy. Cụ thể như: Đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh-Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với chiều dài khoảng 12km; thiết lập tuyến vận tải hành khách, du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài khoảng 225km; đầu tư đưa vào khai thác các vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ vận tải hành khách, du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ (12 vị trí); phát triển các cảng, bến và khu vực neo đậu phương tiện như Cảng, bến Nhà Rồng-Khánh Hội, các bến khu vực quận 1 trên sông Sài Gòn…
Gửi phản hồi
In bài viết