Người dân chờ đến lượt tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ tại Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Giới chức y tế San Francisco cho biết, muốn áp dụng các biện pháp linh hoạt nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh này, do đó không có kế hoạch yêu cầu áp đặt bất kỳ biện pháp đóng cửa hay hạn chế nào, không giống như tình trạng khẩn cấp được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 3/6 vừa qua, tính đến ngày 27/7, San Francisco ghi nhận 261 ca bệnh hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức thành phố cho rằng con số này có thể tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.
Trong khi đó, tại châu Phi, trong cuộc họp báo hàng tuần ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, kể từ đầu năm đến nay châu lục này đã ghi nhận 2.101 ca bệnh đậu mùa khỉ và 75 ca tử vong vì bệnh này. Hiện tỷ lệ tử vong vì bệnh này tại "Lục địa đen" là 3,6%.
Theo CDC châu Phi, trong tuần qua, 70 ca bệnh đậu mùa khỉ mới đã được báo cáo ở 3 quốc gia châu Phi gồm Ghana, Nigeria và Liberia. CDC châu Phi cho biết số ca bệnh đậu mùa khỉ mới trong tuần qua ở châu lục này đã giảm 7% so với con số thông báo trong cuộc họp báo của tuần trước.
Hôm 25/7, CDC châu Phi đã khuyến nghị các nước thành viên tăng cường theo dõi và truy vết các ca có tiếp xúc gần để ngăn chặn dịch đậu mùa khỉ lây lan. CDC châu Phi kêu gọi các nước dự trữ vaccine và sẵn sàng phương pháp điều trị cần thiết để đối phó với các ca bệnh đậu mùa khỉ gia tăng, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin cơ bản về nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng tránh cho người dân.
Thông báo được đưa ra 2 ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ - mức cảnh báo cao nhất của cơ quan này.
Gửi phản hồi
In bài viết