Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị... Ðồng thời, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện việc trả lương qua tài khoản kết hợp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 800 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng.
Cùng với đẩy mạnh trả lương qua tài khoản, việc lắp đặt POS phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. Tính đến hết quý I-2022, toàn tỉnh đã có tổng cộng 86 máy ATM và 319 máy POS được lắp đặt. Hệ thống POS, QR Code của các ngân hàng trang bị tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng hoạt động ổn định, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của khách hàng khi mua hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số qua các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng LienVietPostBank hướng dẫn khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại di động.
Công ty Điện lực Tuyên Quang, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang, các trường học ở khu vực đô thị đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thu tiền điện, tiền nước, học phí. Các ngân hàng đã kết nối cung cấp các dịch vụ thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, POS, QR code tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; 100% các huyện, thành phố thuộc địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng.
Mới đây, ngày 27-4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu trong năm 2022, phấn đấu 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn triển khai sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí trên tổng số tiền viện phí phải thu đạt 50% trở lên; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn khu vực đô thị chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt trên tổng số tiền học phí phải thu đạt từ 50% trở lên. Mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn khu vực đô thị và 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt, có tổng số tiền thu bằng hình thức không dùng tiền mặt đạt từ 90% -100%.
Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng còn nhiều rào cản, khó khăn. Đó là hạ tầng cơ sở vật chất phân bố chưa đồng đều. Còn đối với POS thì chủ yếu được lắp đặt tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP Tuyên Quang và hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn. Bởi vậy, dù khách hàng có nhu cầu thanh toán qua thẻ cũng không có dịch vụ để đáp ứng. Một khó khăn khác là thu nhập của người dân còn thấp, tiền rút ra chỉ để chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu...
Bên cạnh những mặt thuận lợi, khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt, thì theo đánh giá của các ngân hàng, thời gian qua công tác thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn một số điểm nghẽn khiến quá trình này chưa thể diễn ra nhanh chóng. Trong đó, điểm nghẽn dễ nhận thấy nhất là các sở, ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng có thể kết nối vào làm dịch vụ thanh toán. Việc ngân hàng và các cơ sở y tế khi đầu tư vào thanh toán y tế thì chi phí rất lớn… Mặt khác phí đơn vị sử dụng dịch vụ máy POS thanh toán cho ngân hàng khá cao nên chưa thu hút được nhiều khách hàng sử dụng. Phí thu dịch vụ qua máy POS của mỗi ngân hàng lại có một mức phí khác nhau….
Để khắc phục những điểm nghẽn và đạt được những kỳ vọng trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cần một lộ trình rất dài và hợp lý để giải quyết từng bước những khó khăn. Đồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp bộ, ngành Trung ương đến địa phương. Nhưng trên hết vẫn là nỗ lực thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết