Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, đây là phần mềm do Thanh tra Chính phủ xây dựng, chính thức đưa vào khai thác sử dụng phục vụ cho công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư; thống kê, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện kịp thời, cập nhật dữ liệu, theo dõi và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất trên phần mềm cơ sở dữ liệu theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Thanh tra tỉnh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho gần 400 người tham dự. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ và nhân dân.
Là người trực tiếp thực hiện công tác tiếp dân, anh Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh cho biết, sau khi áp dụng phần mềm trong công việc hàng ngày, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều tiến bộ. Nhiều đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng họp trực tuyến, nhất là trong thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm mới, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cấp cơ sở.
Sau khi sử dụng phần mềm giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ giúp giảm chi phí phát sinh, giải quyết nhanh gọn
kịp thời các kiến nghị của công dân.
Công tác lâu năm trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đồng chí Phạm Ngọc Thanh, Trưởng phòng nghiệp vụ 2 chia sẻ, sau gần 3 tháng sử dụng phần mềm, công tác giải quyết đơn thư đã được đẩy nhanh tiến độ hơn trước rất nhiều. Việc triển khai sử dụng phần mềm này sẽ giúp thống nhất quản lý, tránh trùng lặp đơn thư, hỗ trợ cho việc tham mưu báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo. Từ đó, góp phần khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, tăng cường tính công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Trong năm 2021, ngành Thanh tra đã tiếp 2.400 lượt công dân. Mặc dù số vụ việc và người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị rất nhiều nhưng việc giải quyết của bộ phận chức năng của ngành đều đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian theo quy định.
Là đơn vị đầu mối sử dụng phần mềm Hệ thống “Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”, Thanh tra tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, tài liệu và các điều kiện cần thiết khác để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ là công chức quản trị mạng, công chức tham mưu chỉ đạo, quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo và các công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết của các ngành, địa phương trong tỉnh. Phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo” do Thanh tra Chính phủ xây dựng và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2018 tại các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ. Tuy mới triển khai nhưng đã kịp thời cập nhật để sử dụng với hình thức phân quyền, khai thác, sử dụng chung cơ sở dữ liệu với Thanh tra Chính phủ.
Việc cập nhật, trao đổi thông tin liên quan được thực hiện hoàn toàn tự động trên môi trường mạng Internet. Phần mềm gồm những phần quan trọng như Tiếp nhận đơn thư; phê duyệt đơn thư; theo dõi và xử lý đơn thư; tra cứu kết quả giải quyết đơn thư... Ưu điểm của phần mềm là quản lý toàn bộ được đơn thư của nhân dân, tránh thất lạc hồ sơ, tra cứu các bước giải quyết tại các ngành liên quan, nếu có khó khăn có thể tháo gỡ kịp thời, tiết kiệm thời gian nhiều lần so với làm thủ công. Đặc biệt, có thể báo cáo trực tiếp với cấp trên về trình tự giải quyết.
Theo Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Thị Xuyến, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo” tại Tuyên Quang cũng có một số mặt khó khăn nhất định. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật sự đồng bộ; tốc độ đường truyền Internet ở một số ngành, địa phương có khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai hệ thống. Một số công chức trực tiếp khai thác, sử dụng hệ thống còn thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững quy trình nghiệp vụ, trong khi yêu cầu toàn bộ các nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải cập nhật, chính xác, kịp thời, toàn vẹn và đầy đủ vào “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”. Để khắc phục điều này, Thanh tra tỉnh đã cử cán bộ hỗ trợ bằng hình thức đường dây nóng, thảo luận trực tuyến, hướng dẫn trực tiếp trên phần mềm khi địa phương có yêu cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết