Người dân tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đang hoàn thiện mô hình đèn Trung thu “Cá chép vượt Vũ môn hoá rồng”.
Tại tổ 6, phường Tân Quang, những khâu cuối cùng cho mô hình tái hiện sự tích “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng” đang vào giai đoạn hoàn thiện. Ông Đỗ Văn Trung, tổ 6, phường Tân Quang chia sẻ, sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay, ông lại được cùng mọi người trong tổ tất bật với việc sửa chữa lại xe kéo, lên ý tưởng, làm khung và trang trí mô hình đèn Trung thu khổng lồ. Người cắt giấy, người trang trí, người sửa chữa máy nổ… ai cũng phấn khởi với việc được tự tay chuẩn bị cho ngày Trung thu của các cháu thiếu nhi.
Bà Nguyễn Thị Tuyên, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ 6, phường Tân Quang chia sẻ, dù bận nhiều công việc, nhưng nhân dân trong tổ đã tập trung và sắp xếp thời gian làm mô hình với chất liệu đơn giản, dễ làm. Mỗi năm tổ lại làm một mô hình khác nhau để tham dự lễ hội và mỗi mô hình mang một ý nghĩa, câu chuyện lịch sử nhằm giáo dục thế hệ trẻ. Tiêu biểu như: Dế mèn phiêu lưu ký (2016), Gia đình nhà gà đi trẩy hội (2017), Ai thông minh hơn (2018), Gia đình nhà kiến (2019). Sau 2 năm gián đoạn, năm nay, tổ làm mô hình đèn “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng”. Từ một loài cá nhỏ bé sống dưới sông nước, sau khi vượt vũ môn hoá rồng với hình dáng oai phong, cường tráng tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm, khát vọng vươn lên.
Mô hình có chiều dài 9 m, chiều cao 4,5 m. Trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình, tổ đã họp và quyết định thiết kế mô hình theo phong cách “động”. Mô hình “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng” sẽ tự quẫy đuôi, lắc mình, miệng nhả bong bóng thông qua hệ thống truyền chuyển động do người dân trong tổ tự thiết kế, sáng tạo. Hoạt động này đã làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của người dân trong tổ dân phố.
Có mặt tại tổ 9, phường Phan Thiết, chúng tôi được chứng kiến không khí say mê sáng tạo của các “nghệ nhân” của tổ. Năm nay, tổ chọn làm mô hình đèn Trung thu “Bà Triệu Thị Trinh” với hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi trắng ra trận. Qua đó, mong muốn các con, các cháu luôn luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước đã đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, để thế hệ hôm nay có cuộc sống hoà bình, ấm no, hưởng Tết Trung Thu vui vẻ, hạnh phúc.
Mô hình đèn Trung thu “Bà Triệu Thị Trinh” của tổ 9, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Bà Nguyễn Thị Kim Tú, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ 9, phường Phan Thiết cho biết, sau hơn nửa tháng, mô hình đã gần hoàn thành, chuẩn bị đem đi chạy thử. Ngay khi triển khai làm mô hình đèn Trung thu, tổ đã họp tổ dân phố để xin ý kiến các hộ dân, thống nhất mức đóng góp là 300 nghìn đồng/hộ. Nhiều hộ đã hỗ trợ đóng góp từ 1-3 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Vi Thế Mạnh đóng góp 3 triệu đồng, Phạm Xuân Thanh đóng góp 1 triệu đồng, Tạ Thị Phương đóng góp 1 triệu đồng, Ngô Thị Kim Xuân đóng góp 1 triệu đồng… Đến nay, tổ đã nhận được hơn 50 triệu đồng tiền hỗ trợ, đóng góp tự nguyện để làm mô hình đèn trung thu. Cùng với đó tổ đã huy động những người có đôi bàn tay khéo léo, có thế mạnh về từng mặt để hoàn thiện như thợ sửa máy, hàn xì phụ trách phần khung và thân của mô hình; thợ điện phụ trách phần ánh sáng, trang trí mô hình… Mỗi người một việc, tất cả đều nỗ lực, đoàn kết để tạo nên mô hình đẹp nhất, gần gũi nhất. Có những hôm mọi người say mê làm đến tận khuya, tuy mệt nhưng ai cũng vui vì ít hôm nữa mô hình hoàn thành được nhìn nụ cười của con trẻ thỏa thích ngắm những mô hình đèn Trung thu lung linh, rực rỡ.
Lễ hội Thành Tuyên là ngày hội lớn của người dân Tuyên Quang thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, sự quan tâm, sự thể hiện tình yêu thương của ông bà, bố mẹ dành cho thiếu nhi. Năm nay, thành phố Tuyên Quang có 89 tổ dân phố đăng ký làm mô hình đèn Trung thu. Các mô hình đèn Trung thu được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, danh lam thắng cảnh như: Rồng vàng trảy hội Thành Tuyên, Cá chép vượt vũ môn hóa rồng, Cá chép trông trăng, Tự hào bản sắc xứ Tuyên, Đám cưới chuột, Chung tay bảo vệ Sếu đầu đỏ… Dưới bàn tay tài hoa và sáng tạo của nhân dân, nghệ nhân xứ Tuyên các mô hình không chỉ đẹp về hình thức mà còn có ý nghĩa giáo dục, giúp các cháu thiếu nhi và du khách gần xa hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Để mỗi người dân Tuyên Quang thêm tự hào về "Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam".
Mỗi mô hình đèn Trung thu khổng lồ với những màu sắc sặc sỡ, hình thù độc đáo lại mang một ý nghĩa riêng thể hiện nhiệt huyết, hết lòng vì con trẻ của người dân xứ Tuyên, hứa hẹn một mùa Trung thu ấn tượng và đáng nhớ.
Gửi phản hồi
In bài viết