Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 31. (Ảnh: DUY LINH)
Theo đó, sau đó, các nội dung này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm các dự thảo: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cho ý kiến 7 dự án luật
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: các dự án luật trình lần này đều được các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần, tiếp thu tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục có những chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung rất cơ bản so với khi trình với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp chất lượng vào các dự án Luật tốt nhất, nhất là một số dự án luật có những nội dung khó và có ý kiến khác nhau.
Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc hai tỉnh Bình Dương và Tiền Giang.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: việc thành lập các đơn vị đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính trong năm nay là một nội dung trọng tâm để thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời kỳ mới, nước ta đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và việc thành lập các đô thị mới, các đơn vị như thị xã, thành phố là hết sức cần thiết.
Quang cảnh phiên họp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành 1 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 2 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung về: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng. Thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao tập trung các nội dung là công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam;
Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.
Bên cạnh đó có các nội dung khác liên quan hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tháng 3 dự kiến sẽ có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật và Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5 để cơ bản hoàn tất các nội dung liên quan chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Tổng Thư ký Quốc hội rà soát với tinh thần giải quyết những vấn đề cấp thiết, nhưng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo và đủ trình tự, thủ tục.
Bên cạnh cho ý kiến các dự luật, chất vấn Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự tại phiên họp thứ 31. Trong chương trình phiên họp diễn ra từ ngày 14 đến 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét công tác nhân sự.
Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024 của Quốc hội.
Tạo cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.
Theo Báo cáo, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các quy định của một số luật và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung mới trong nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: Xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và quá trình triển khai áp dụng quy định này sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ (khoản 3).
Dự thảo Luật giao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách, số lượng thành viên các Ban của Hội đồng nhân dân; đổi mới cách quy định về số lượng Phó Trưởng ban theo hướng bình quân không quá 2 Phó Trưởng ban trên một Ban; bổ sung quy định Ban có bộ phận hoạt động chuyên trách để giải quyết các công việc thường xuyên trong thời gian Ban không họp (khoản 3 Điều 9).
Để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai, dự thảo Luật quy định: trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô (khoản 4).
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và Ủy ban nhân dân phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của đất nước…
Các đại biểu đại diện các cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành và Thành phố Hà Nội thảo luận các nội dung lớn trong dự thảo Luật.
Về một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo, định hướng về một số nội dung như: quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao; việc phân quyền cho Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc giao lại đất, cho thuê đất trong phạm vi khu công nghệ cao…
Gửi phản hồi
In bài viết