Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

- Sáng 2-7, tiếp tục nội dung chương trình Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIX đã thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Các đại biểu dự phiên thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: Thanh Phúc

Dự phiên họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu các ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn.

Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

Tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu đều ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh và các huyện, thành phố; thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc của tỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các đại biểu đồng tình với những hạn chế đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, báo cáo thẩm tra của các ban của HĐND tỉnh, các báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh. Đồng thời phân tích thêm về những hạn chế, nguyên nhân tồn tại hạn chế trong một số lĩnh vực cũng như tại từng địa phương.

Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại hạn chế, triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra, tập trung vào các nội dung như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; công tác quản lý Nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến, song có mặt còn hạn chế; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm tại các trường học; tình trạng thiếu vật tư y tế, một số loại thuốc thiết yếu tại các cơ sở y tế công lập không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; việc thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất còn chậm, chưa đi vào cuộc sống… Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở: Kế hoạch -  Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Công Thương cũng trao đổi, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.

Đại biểu Nông Thị Bích Huệ, Tổ đại biểu huyện Na Hang phát biểu thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

Đại biểu Phùng Tiến Quân, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thanh Phúc

Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu cũng như những ý kiến trao đổi, làm rõ của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các cấp chính quyền tăng cường hơn nữa  công tác tuyên truyền và triển khai các cơ chế chính sách của HĐND tỉnh đã ban hành. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, có giải pháp giải quyết bất cập trong việc thực hiện hợp nhất các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn. Về lĩnh vực giáo dục, UBND tỉnh cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Đồng chí cũng nhấn mạnh công tác cải cách hành chính cần đi vào hiệu quả, thực chất hơn nữa. Từ kỳ họp sau HĐND tỉnh sẽ công bố công khai các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; công khai các cơ quan, đơn vị thực hiện chậm việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri hoặc trả lời chung chung, không đúng ý kiến kiến nghị cử tri phản ánh.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố theo trách nhiệm quản lý của mình có những giải pháp tích cực trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện kịp thời những nhiệm vụ. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, khó khăn vướng mắc. Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường hơn nữa trong hoạt động giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cấp, các ngành, các địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung cao độ thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2022.


Đồng chí Vân Đình Thảo
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng tăng cao, song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân, kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng  8,08%,  đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 20/63 tỉnh, thành phố. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm theo kế hoạch là 13,6% thì 6 tháng cuối năm chúng ta phải phấn đấu đạt được 8,42%, trong đó giá trị tương ứng là trên 12.000 tỷ đồng. Nếu không thể hiện được sự quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu thì chúng ta sẽ tụt hậu dù hiện tại chúng ta đang đứng ở vị trí cao. Với những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm sẽ là điều khích lệ, bước đệm vững chắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm.


Đồng chí Nguyễn Văn Việt
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch để đảm bảo thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như những tác động khác. Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả quan trọng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,77%. Để thực hiện các mục tiêu phát triển đề ra, giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, từ nay đến cuối năm, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tổ chức gieo trồng đúng khung thời vụ tốt nhất, thực hiện tốt công tác phòng, chống sâu bệnh hại, quản lý tốt chất lượng giống, phân bón, vật tư phục vụ sản xuất; phát triển đàn vật nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đặc sản. Ngoài ra, dự báo tốt tình hình thị trường tiêu thụ nông sản để có giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất, tiêu thụ nông sản; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh.


Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Với đặc thù của ngành hiện nay là không thể tăng biên chế tại các Văn phòng đăng ký đất đai, do vậy việc phục vụ người dân thường xuyên bị quá tải. Trước thực trạng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Quy chế phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Sở đã tập huấn ban hành các quy định, lập nhóm zalo kết nối giữa các thành viên của 2 cơ quan, xác định nhân viên bưu điện là cánh tay nối dài của sở. Qua đánh giá kết quả phối hợp cho thấy, ngành có có thể cung cấp dịch vụ phục vụ người dân tới tận nhà. Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực có tính pháp lý cao, thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, vì vậy sở cũng đã ký kết phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố để thời gian tới có thể phục vụ người dân được tốt hơn, đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, sở cũng đã tiến hành ứng dụng các phần mềm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của ngành, đồng thời giúp người dân thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.


Đồng chí Vũ Đình Hưng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều môn mới so với chương trình cũ. Trong khi đó lực lượng giáo viên của tỉnh còn thiếu, điển hình như môn Tin học cho lớp 3 thiếu 138 giáo viên.  Do đó, thời gian qua ngành đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên bộ môn mới; chỉ đạo các trường xây dựng thời khóa biểu khoa học; sắp xếp lịch học để phân công luân chuyển giáo viên giữa các trường; ưu tiên tuyển dụng giáo viên Tin học, ngoại ngữ. Về lâu dài thì cần phải tiếp tục sắp xếp các điểm trường lớp học, nghiên cứu bố trí giáo viên dạy liên trường, tăng cường dạy trực tuyến; tuyên truyền, khuyến khích các học sinh giỏi đi học sư phạm để có nguồn tuyển sau này; xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh giỏi đi học sư phạm; khuyến khích giáo dục phổ thông ngoài công lập...


Cử tri Đỗ Linh Chi
Thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa)

Theo dõi kỳ họp trên Báo Tuyên Quang online, tôi rất mừng vì tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã kiến nghị rất nhiều nội dung thiết thực như vấn đề nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… Đặc biệt, kỳ họp đã thông qua 3 nghị quyết về phân bổ vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững. Các quyết sách này sẽ tác động mạnh đến tình hình phát triển kinh tế của địa phương thời gian tới. Tôi kỳ vọng về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương từ những quyết sách mới này. Tôi mong rằng, những quyết sách kỳ họp đưa ra sẽ sớm được đi vào cuộc sống để góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục