Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Ðộ công bố các thỏa thuận đã ký. (Ảnh ANI)
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) và Narendra Modi (Na-ren-đra Mô-đi). Hội nghị cấp cao hằng năm Ấn Ðộ-Nhật Bản gần đây nhất diễn ra vào tháng 10/2018 tại Tokyo. Năm 2019, hội nghị bị hủy do những bất ổn ở khu vực đông bắc của Ấn Ðộ. Năm 2020 và 2021, hai nước không thể tổ chức hội nghị do đại dịch Covid-19. Hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4 tới.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, như căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine... tác động nghiêm trọng tình hình chính trị, an ninh và kinh tế-xã hội của tất cả các nước. Trong bối cảnh đó, Tokyo và New Delhi có nhiều lợi ích trong hợp tác song phương và đa phương, nhằm củng cố, bảo đảm an ninh và mở rộng ảnh hưởng khu vực.
Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển đáng kể trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hai bên bày tỏ hài lòng với việc hoàn thành kế hoạch Nhật Bản đầu tư 3.500 tỷ yen (29 tỷ USD) vào Ấn Ðộ giai đoạn 2014-2019. Thủ tướng Kishida công bố kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ yen (42 tỷ USD) vào Ấn Ðộ 5 năm tới.
Nhật Bản và Ấn Ðộ cũng thành lập Diễn đàn hành động hướng đông (AEF) để thúc đẩy hợp tác song phương tại đông bắc Ấn Ðộ. Nhật Bản góp 211 triệu USD trong nỗ lực xây dựng cây cầu dài nhất Ấn Ðộ kết nối thành phố Dhubri, Assam với Phulbari, Meghalaya. Hai Thủ tướng đã ký “Sáng kiến Ấn Ðộ-Nhật Bản về phát triển bền vững đông bắc Ấn Ðộ”. Hai bên cũng thảo luận về triển khai dự án tàu cao tốc Mumbai-Ahmedabad, một trong các dự án hợp tác song phương lớn nhất. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Ðộ ký thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD với Công ty Suzuki Motor của Nhật Bản về phát triển công nghệ xe điện tại bang Gujarat.
Thêm vào đó, hai bên đã ký thỏa thuận Ðối tác năng lượng sạch Ấn Ðộ-Nhật Bản để hợp tác hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng. Hai bên còn ký kết ba biên bản ghi nhớ về các lĩnh vực an ninh mạng, phát triển đô thị bền vững và quản lý nước thải bằng kỹ thuật mới của Nhật Bản.
Mặc dù hai nước đã thiết lập quan hệ được 70 năm, nhưng hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, còn khá hạn chế. Hai nước còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực kinh tế để bắt kịp hợp tác chính trị song phương ngày một rộng mở và sâu sắc.
Trong hội đàm, hai Thủ tướng cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là tình hình xung đột Nga-Ukraine và châu Á-Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi chấm dứt leo thang căng thẳng ở Ukraine, cam kết hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở đây. Ông Kishida khẳng định, hai nước phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ðể thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, hai nhà lãnh đạo khẳng định lại tầm quan trọng của quan hệ đối tác song phương và đa phương trong khu vực, bao gồm hợp tác bốn bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Australia. Hai Thủ tướng nhất trí rằng, Tokyo và New Delhi có khả năng hợp tác nhiều hơn trong nỗ lực triển khai Sáng kiến Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương do Chính phủ Ấn Ðộ đưa ra năm 2019 và Tầm nhìn Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Chính phủ Nhật Bản đưa ra.
Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định lại cam kết đạt được các kết quả trong chương trình nghị sự mang tính tích cực và xây dựng mà nhóm Bộ tứ đã đưa ra, nhất là về nỗ lực cung cấp vắc-xin Covid-19, hợp tác phát triển công nghệ mới và quan trọng, chống biến đổi khí hậu, điều phối cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, không gian và giáo dục.
Chuyến thăm Ấn Ðộ của Thủ tướng Nhật Bản là nỗ lực nhằm nâng tầm quan hệ song phương, khởi động quá trình thu hẹp khoảng cách giữa hợp tác kinh tế với liên kết chính trị giữa hai nước. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, quan hệ đối tác giữa Ấn Ðộ và Nhật Bản ngày càng được thắt chặt “để hòa bình, thịnh vượng và ổn định được khuyến khích ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và “điều này không chỉ quan trọng cho hai quốc gia mà còn cả thế giới”.
Gửi phản hồi
In bài viết