Thay đổi nhận thức người dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe

- Cùng với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng cao.

Toàn tỉnh hiện có trên 445.488 người DTTS sinh sống, chiếm 56,76% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, bản tại 121/138 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; trong đó có 699 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Một trong những vấn đề được quan tâm trong vùng đồng bào DTTS là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đặc biệt ở một số xã như: Hùng Lợi, Kiến Thiết, Trung Minh (Yên Sơn); Hồng Thái (Na Hang); Xuân Lập (Lâm Bình) diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, từ năm 2016 Ban Dân tộc tỉnh triển khai mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 7 xã thuộc các huyện: Yên Sơn, Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.

Cán bộ Trạm y tế xã Lang Quán (Yên Sơn) tư vấn cho người dân biện pháp phòng bệnh giao mùa.

Sau 5 năm triển khai, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hoạt động truyền thông với nhiều hình thức như: treo băng rôn, khẩu hiệu, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên loa phát thanh, ngoại khóa trường học... đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Tiêu biểu như: xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) năm 2016 có 15 cặp tảo hôn thì đến năm 2020 có 5 cặp vợ chồng tảo hôn; xã Xuân Lập (Lâm Bình) năm 2016 có 4 cặp tảo hôn đến năm 2020 không có trường hợp tảo hôn...

Nhờ tuyên truyền hiệu quả nên đồng bào DTTS đã ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai. Bác sỹ Nông Văn Khủ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Hương (Hàm Yên) cho biết, trước đây người dân chủ quan tự đẻ tại nhà, phụ nữ mang thai nhưng không chăm sóc tốt khiến đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, yếu. Trước thực trạng đó, nhờ làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, bà con xóa bỏ các hủ tục nên 5 năm trở lại đây, xã không còn tình trạng sinh đẻ tại nhà, thầy cúng chữa bệnh. Phụ nữ có thai đã chủ động đến các cơ sở y tế để khám, siêu âm và theo dõi định kỳ, bổ sung thêm các sản phẩm giúp thai nhi phát triển tốt. Y bác sỹ đã tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ có thai nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Người dân tin tưởng đến khám và đưa con đến tiêm chủng tại trạm ngày một tăng, bình quân mỗi năm có từ 6.500 lượt người đến khám và điều trị tại trạm.  

Mạng lưới y tế cơ sở hiện nay cơ bản đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. 5 năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài (EU, Kooica…) đã có 62 trạm y tế xã được xây mới, sửa chữa với kinh phí trên 220 tỷ đồng. Hiện 100% trạm y tế xã có bác sỹ trực tiếp khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, các chương trình tiêm chủng mở rộng, uống vitamin A, tư vấn dinh dưỡng được triển khai hiệu quả; đồng bào DTTS sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám, chữa bệnh khi sử dụng thẻ...

Bà Dì Thị Mươi, thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, tấm thẻ bảo hiểm y tế rất cần thiết với bà cũng như đồng bào DTTS nơi đây. Nhờ có bảo hiểm y tế mà mỗi khi trong gia đình có người ốm đau đưa đến bệnh viện đều được bảo hiểm thanh toán toàn bộ chi phí. Các thủ tục chuyển tuyến với những bệnh nặng cũng được thực hiện nhanh chóng, giảm thời gian đi lại cho người bệnh.

Bằng những hoạt động cụ thể của các cấp, ngành, chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy đã từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, tạo đà thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục