Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân về mối nguy hại của rác thải nhựa.
Tại huyện Sơn Dương đã có nhiều cách làm thay đổi dần thói quen sử dụng đồ nhựa. Đồng chí Hoàng Hải Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Từ năm 2020 tại UBND huyện đã triển khai quyết liệt chương trình nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần. Hiện mỗi cán bộ, viên chức đều cam kết không sử dụng ly nhựa, chai nước uống nhựa, túi nilon... thay vào đó dùng cốc thủy tinh, bình thủy tinh chứa nước để sử dụng.
Người dân tổ nhân dân Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương gom, phân loại rác thải nhựa.
Tại sảnh, phòng tiếp dân của UBND huyện Sơn Dương đặt những bình nước lớn kèm ly thủy tinh để người dân sử dụng mỗi khi đến giao dịch. Trong các buổi họp, hội nghị hay hoạt động, sự kiện, huyện không dùng chai nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngay cả băng rôn, khẩu hiệu tại UBND huyện cũng được thay thế bằng bảng điện tử, máy chiếu để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần rồi xả rác ra môi trường. Huyện đang vận động toàn dân thay đổi thói quen dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Do đó, từ trong cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức đã có những thay đổi tích cực để làm gương tốt cho người dân.
Thực hiện phong trào phòng chống rác thải nhựa, MTTQ thị trấn Sơn Dương đầu tư 15 thùng đựng rác thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải với chủ đề “Hãy bỏ rác vào thùng”; đặt thùng đựng rác “Nơi thu gom vỏ chai nhựa gây Quỹ ủng hộ Vì người nghèo” tại tổ dân phố Xây Dựng, Cơ Quan, Tân An. Bà Lê Thị Vương, tổ nhân dân Xây Dựng cho biết, từ ngày có thùng đựng rác thải nhựa ở khu vực vườn hoa thị trấn đã sạch sẽ hơn nhiều. Người dân đã thay đổi hẳn ý thức thu gom, phân loại rác thải để góp phần đảm bảo môi trường sống xung quanh không bị ô nhiễm. Đối với việc thay đổi thói quen dùng túi nilon người dân cũng đã bắt đầu có ý thức hơn, không sử dụng nhiều như trước mà chỉ dùng khi thật sự cần thiết.
Hạn chế sử dụng đồ nhựa, trọng tâm là túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần đã được thành phố Tuyên Quang quyết liệt triển khai từ cuối năm 2020 đến nay. Hiện nay, 15/15 xã, phường trên địa bàn thành lập được 45 mô hình tổ tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Các thành viên trong tổ tự quản tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở nơi cư trú tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây hố xử lý rác thải hữu cơ. Bên cạnh đó, các xã, phường cũng chủ động ký cam kết trong việc thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác và chống rác thải nhựa”.
Bà Nguyễn Thị Minh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Lưỡng Vượng cho biết, thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác và chống rác thải nhựa”, từ tháng 9-2020 đến nay, hội viên Chi hội Phụ nữ trong thôn đã tổ chức thu gom, phân loại được hơn 2 tạ nhựa. Bên cạnh đó, chi hội cũng tăng cường tuyên truyền về xử lý rác thải hữu cơ và vô cơ, góp phần nâng cao ý thức của hội viên trên địa bàn. Việc dùng đồ nhựa 1 lần đang dần thay đổi, nhưng việc sử dụng túi nilon vẫn còn phổ biến, rất khó lay chuyển.
Đó cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương khi túi nilon vẫn được nhiều người dân lựa chọn sử dụng vì tiện lợi, rẻ tiền, nhất là các tiểu thương buôn bán tại các chợ. Chị Hoàng Thị Hè, xã Trung Minh mua sắm ở chợ phiên Hùng Lợi mặc dù có gùi đựng đồ nhưng chị mua sản phẩm nào cũng được tiểu thương cho vào túi nilon. Chị Hè cho biết, túi nilon tiện thật nhưng khó tiêu hủy nên nhiều lúc chị không sử dụng. Tuy nhiên, những người nói không với túi nilon như chị Hè chưa nhiều, mà hầu hết vì tiện mọi người vẫn lạm dụng việc sử dụng túi nilon.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi ngày có khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom. Hầu hết lượng rác thải được xử lý theo hình thức chôn lấp mà chưa có biện pháp phân loại, tái chế. Do vậy cần sự vào cuộc của cả cộng đồng để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ rác thải nhựa để bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của con người.
Việc từ bỏ thói quen dùng đồ nhựa một lần, đặc biệt là túi nilon là việc khó nhưng khó cũng phải làm bởi thói quen này vô cùng có hại cho môi trường sống cần phải loại bỏ. Vì vậy, phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi người không dùng túi nilon, đồ nhựa, khi xã hội không có nhu cầu nữa thì cơ sở sản xuất cũng không còn “đất” sống. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế đồ nhựa dùng một lần, khi đó mới hy vọng đẩy lùi rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết