Năm 2023 là giai đoạn bước ngoặt chuyển đổi sang những nền tảng phần cứng và phần mềm mới cho phép phổ cập các ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách sâu rộng.
Các loại máy tính trí tuệ nhân tạo khác biệt với máy tính truyền thống nằm ở các thành phần xử lý, có thể trong bộ xử lý trung tâm (CPU) hay bộ xử lý đồ họa (GPU), tối ưu cho việc giải quyết các tác vụ trí tuệ nhân tạo thay vì tính toán thông thường. Nhờ thế, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo - dự kiến phát triển song song - sẽ có thể giải quyết công việc nhanh hơn nhiều lần so với máy tính truyền thống.
Một dự án điển hình cho nỗ lực này là AI PC Acceleration Program của Intel, nhằm thúc đẩy sự phổ biến của các bộ xử lý Core Ultra thế hệ mới (Meteor Lake) với năng lực trí tuệ nhân tạo, dự kiến có mặt trên thị trường vào ngày 14-12 tới. Đây là bộ xử lý đầu tiên của Intel được tích hợp lõi xử lý trí tuệ nhân tạo mang tên NPU (Neural Processing Unit).
Ngoài Intel, hiện nay Apple, nVIDIA, Google… đều có những giải pháp phần cứng với năng lực trí tuệ nhân tạo ở nhiều cấp độ khác nhau. Bản thân AMD, dù chậm chân trong cuộc chơi mới, cũng đã kịp công bố vi xử lý Ryzen 7 7840U với tuyên bố năng lực trí tuệ nhân tạo vượt trội so với cả Apple M2 và Intel Core i7-1360P.
Dĩ nhiên, chỉ phần cứng thôi không đủ, sẽ có khoảng 100 nhà phát triển phần mềm tham gia vào nỗ lực thúc đẩy các giải pháp trí tuệ nhân tạo, với khoảng 300 tính năng mới từ nay tới năm 2025. Một số tên tuổi lớn trong nhóm này là Adobe, Zoom, Filmore, Wondershare, Audacity, Webex, BlackMagic, và Xsplit…
Các nhà sản xuất phần cứng và các nhà phát triển phần mềm kỳ vọng, máy tính trí tuệ nhân tạo và hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới sẽ tạo ra những trải nghiệm điện toán hoàn toàn mới so với trước đây, trên nhiều lĩnh vực từ hiệu ứng âm thanh, sáng tạo nội dung, trò chơi điện tử cho tới dịch vụ…
Nếu lộ trình thuận lợi, thế giới sẽ có khoảng 100 triệu máy tính với năng lực trí tuệ nhân tạo vào năm 2025.
Gửi phản hồi
In bài viết