Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá, bản thân việc Mỹ trở lại thỏa thuận đã rất quan trọng, cũng giống như tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ rằng nước này sẽ quay lại cung cấp viện trợ khí hậu nhiều hơn cho các quốc gia như đã hứa năm 2009. Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, thế giới rất kỳ vọng vào những cam kết có ý nghĩa và đây sẽ là tấm gương cho các nước khác noi theo. Đã có hơn 120 quốc gia, bao gồm cả những nước phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất như Trung Quốc, đã cam kết sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào khoảng giữa thế kỷ.
(Ảnh min họa: Financial Express)
Ông Guterres nói: “Tôi hoan nghênh Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ tăng cường hành động toàn cầu. Cam kết của Tổng thống Bai-đừn đạt mức phát thải ròng bằng 0 cũng có nghĩa là các quốc gia phát thải lớn nhất vẫn đang theo đuổi mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 vào năm 2050”.
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi văn kiện vào năm 2019.
Cựu Giám đốc cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Christiana Figueres đánh giá, một thông điệp chính trị ý nghĩa đã được gửi đi.
Bà Christiana Figueres là một trong những người đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy thông qua thỏa thuận chủ yếu trên tinh thần tự nguyện vào năm 2015, trong đó các quốc gia đưa ra những mục tiêu tham vọng về khí hậu. Theo bà, một điều lo sợ là các quốc gia khác sẽ theo chân Mỹ từ bỏ cuộc chiến khí hậu, nhưng không ai làm vậy. Thực tế là dù bốn năm không hành động về khí hậu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, song các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ vẫn làm việc để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Inger Andersen thì cho rằng, Mỹ phải chứng minh vai trò lãnh đạo của mình đối với phần còn lại của thế giới. Chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết đưa ra những mục tiêu cụ thể về khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất vào tháng 4 tới.
Một mục tiêu quốc tế dài năm là duy trì nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C và thậm chí là tham vọng hơn 1,5 độ C từ nay đến năm 2050. Việc Mỹ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng về cắt giảm khí thải sẽ giúp hạn chế sự nóng lên của trái đất./.
Gửi phản hồi
In bài viết