Thế giới kêu gọi quân đội Myanmar phản ứng kiềm chế trước các cuộc biểu tình

Hai ngày nay, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại Myanmar, song với quy mô nhỏ hơn trước đó. Quân đội đã được tăng cường tới các thành phố lớn với nhiều xe bọc thép được triển khai, trong khi mạng internet bị gián đoạn liên tục.

Thế giới đang kêu gọi quân đội Myanmar tránh các hành động mạnh tay với người dân, đồng thời tiến hành đối thoại ngay lập tức.

Bất chấp việc quân đội được triển khai với quy mô lớn tới các thành phố vào cuối tuần qua, một bộ phận người dân Myanmar vẫn xuống đường trong 2 ngày nay; nhiều công nhân, viên chức các ngành nghề đã tiến hành các đình công, để phản đối việc quân đội nắm quyền, đồng thời kêu gọi thả Cố vấn nhà nước – bà Aung San Suu Kyi – người bị quân đội Myanmar gia hạn việc giam giữ đến ngày 17/2.

Myanmar sau khi quân đội đảo chính. Ảnh: SOPA.

Truyền thông quốc tế cho biết, trong hai ngày 14 và 15/2, lực lượng an ninh Myanmar đã phải sử dụng vũ lực, vòi rồng, bắn đạn cao su, để giải tán một số đám đông biểu tình. Mạng viễn thông, internet tại Myanmar đã bị cắt trong nhiều giờ đồng hồ sáng qua (15/2) và sáng nay.

Điều này đang khiến thế giới đặc biệt quan ngại. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq hôm qua cho biết: “Tổng thư ký Guterres đang quan ngại sâu sắc về tình hình tại Myanmar, bao gồm việc sử dụng vũ lực ngày càng tăng, cùng với những báo cáo về việc triển khai thêm xe bọc thép tới các thành phố lớn. Ông kêu gọi quân đội và cảnh sát Myanmar đảm bảo quyền biểu tình hòa bình được tôn trọng đầy đủ và người biểu tình phải được bảo vệ. Các vụ bắt giữ quan chức chính phủ, nhà báo, các nhà hoạt động dân sự liên tục đang gây ra nhiều quan ngại. Viễn thông, internet không nên bị gián đoạn, để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin của người dân.”

Đại sứ quán Mỹ, EU, Anh Canada và 11 quốc gia khác trước đó cũng đã ra một tuyên bố kêu gọi lực lượng an ninh, quân đội Myanmar “kiềm chế bạo lực” nhằm người biểu tình và dân thường. 

Dù liên tục lên tiếng quan ngại, song Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Schraner Burgener hôm 15/2 cũng đã có cuộc đối thoại với giới chức quân đội quốc gia Đông Nam Á này. Trong cuộc thảo luận, bà kêu gọi quân đội Myanmar không nên “phản ứng gay gắt” với người biểu tình phản đối. Theo bà, thế giới đang theo sát mọi diễn biến tại Myanmar và bất kỳ phản ứng thái quá với người dân đều có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Về phía quân đội Myanmar, Phó Tư lệnh Soe Win đã thông tin tới vị quan chức Liên Hợp Quốc về những gì đang thực sự diễn ra tại nước này, đồng thời nêu rõ các kế hoạch sẽ thực hiện tiếp theo. Còn truyền thông quân đội Myanmar khẳng định, việc triển khai quân tới các thành phố đang được người dân nước này ủng hộ, bởi các cuộc biểu tình đang khiến cuộc sống người dân đảo lộn, tâm lý người dân lo sợ.

Dù các nước phương Tây đang lên án về những diễn biến tại Myanmar, thậm chí là đã có những lệnh trừng phạt được đưa ra; song nhiều quốc gia cũng cho rằng, những gì đang diễn ra tại Myanmar là công việc nội bộ của quốc gia này. Trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Myanmar, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các bên ở Myanmar tiến hành đối thoại và hòa giải, phù hợp với lợi ích của người dân./.

Theo VOV.vn

Tin cùng chuyên mục