Theo báo cáo của Liên hợp quốc, người tiêu dùng trên toàn thế giới vứt bỏ hoặc tích trữ nhiều thiết bị điện tử cũ như đồ chơi, dây cáp, thuốc lá điện tử, các loại dụng cụ, bàn chải điện, máy cạo râu, tai nghe và nhiều đồ dùng gia đình.
Việc xử lý và tái chế những thiết bị chứa các kim loại quý như lithium, vàng, bạc và đồng được đánh giá là cấp thiết, trong bối cảnh nhu cầu về kim loại quý đối với các ngành công nghiệp xanh như sản xuất pin xe điện đang ngày một gia tăng.
Tại châu Âu, nhu cầu về đồng dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030 để đáp ứng các lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo, thông tin liên lạc, hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Rác thải điện tử chứa nhiều kim loại quý. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, kim loại quý thường bị lãng phí vì được phân loại là rác thải điện tử “vô hình”, thuật ngữ chỉ loại rác thải điện tử không được chú ý do tính chất hoặc hình thức bên ngoài, khiến người tiêu dùng bỏ qua tiềm năng tái chế.
Viện Đào tạo và nghiên cứu Liên hợp quốc (UNITAR) cho biết, lượng rác thải điện tử “vô hình” lên đến khoảng 9 tỷ kg mỗi năm trên toàn thế giới, tương đương số kim loại quý trị giá khoảng 9,5 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 trong tổng số ước tính 57 tỷ USD cho tất cả rác thải điện tử năm 2019.
Một phần đáng kể của rác thải “vô hình” từ đồ chơi cũ, với tổng cộng 7,3 tỷ vật phẩm mỗi năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra con số đáng kinh ngạc, với 950 triệu kg dây cáp đồng có thể tái chế đã bị vứt bỏ ở năm 2022.
Trong khi châu Âu dẫn đầu với tỷ lệ tái chế rác thải điện và điện tử là 55%, tỷ lệ trung bình toàn cầu giảm còn hơn 17%. Ở một số khu vực thuộc Nam Mỹ, châu Á và châu Phi, tỷ lệ tái chế gần bằng 0 do cơ sở hạ tầng thu gom không đầy đủ.
Dù các nhà sản xuất chịu trách nhiệm thu gom và tái chế rác thải ở châu Âu từ năm 2005, nhưng tỷ lệ tái chế vẫn không nhất quán, chủ yếu là do sự thiếu nhận thức và thông tin của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết