Họa sĩ Hùng Khuynh (áo tím, đứng giữa) tại triển lãm.
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Hùng Khuynh gồm 50 bức sơn mài do ông thực hiện từ nhiều năm qua. Có những bức ông đã công bố, nhưng cũng có những bức ông chưa từng giới thiệu ra ngoài, và triển lãm là nơi đầu tiên ông đưa “những đứa con tinh thần” này của mình đến với công chúng yêu hội họa.
Những tác phẩm của họa sĩ Hùng Khuynh tại triển lãm có đề tài rất phong phú. Từ phong cảnh, chân dung, phụ nữ… cho đến trừu tượng, nhưng điểm chung lớn nhất ở các tác phẩm của ông mà ai cũng có thể nhận ra, đó là cảm hứng sáng tác lấy từ chất liệu văn hóa dân gian.
Chất dân gian thấm đẫm trong các sáng tác của họa sĩ Hùng Khuynh từ chất liệu, đề tài, nội dung cho đến cách thể hiện. Chất dân gian của ông ở đây là sen, là những cô tố nữ, là âm nhạc dân gian, những lễ hội dân gian, mỹ thuật dân gian…, được thể hiện trên nền chất liệu truyền thống là sơn mài.
Ở bức “Những ngày hội” có khổ 2mx5m, họa sĩ đưa vào một không gian rộng lớn với rất nhiều lễ hội dân gian từ bắc tới nam, từ lễ hội đền Hùng đến những lễ hội Tây Nguyên, từ Hội Lim đến hội chọi trâu Đồ Sơn… Bức tranh khổ lớn, với đại cảnh nhưng những chi tiết được chăm chút rất kỹ, từ những hoa văn trên mai rùa, mình rồng cho đến nét mềm mại của tà áo dài…
Những bức tranh có tên “Trừu tượng” chiếm số lượng khá lớn ở triển lãm, họa sĩ đã sử dụng rất nhiều chất liệu dân gian như các hình trang trí thổ cẩm, các họa tiết sóng, mây, rồng uốn lượn cách điệu, cùng với sắc màu rực rỡ của son, vàng, vỏ trứng, khảm trai… tạo nên những ấn tượng thật độc đáo.
Không chỉ “múa” với sơn mài, họa sĩ Hùng Khuynh còn tạo ra những bức tranh độc đáo, cầu kỳ với ngôn ngữ thể hiện riêng biệt của mình. Bức tranh “Những tố nữ” được họa sĩ gắn thêm những cây đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đồng xu… nhiều kích cỡ khác nhau, tạo nên vẻ mới lạ, và cũng là cách làm ít thấy ở dòng tranh sơn mài.
Nói về những đứa con tinh thần của mình, họa sĩ Hùng Khuynh cho biết, ông thích làm những bức tranh khổ lớn, giống như những mảnh đất rộng lớn mà ông có thể thỏa sức gieo trồng trên đó những ý tưởng của mình. “Tranh lớn là sở trường của tôi, tranh lớn mới đủ để cho tôi biểu hiện những tư tưởng, quan điểm và để giải quyết những kỹ thuật của mình trên đó. Mỗi họa sĩ có một sở trường khác nhau, và với tôi, tranh lớn mới đủ cho tôi trải lòng”.
Họa sĩ cũng cho biết, mỗi bức tranh khổ lớn, ông mất khoảng trên dưới 2 năm để hoàn thiện, chưa kể phần phác thảo. Ban đầu là vẽ phác thảo, từ những bản ký họa nhỏ, rồi phát triển dần ý tưởng, sau đó đến những bức ký họa lớn, cho ra những bức tranh tổng thể lớn trên giấy rồi từ đó mới hình dung và đặt nền móng cho bức tranh chính thức.
Họa sĩ Hùng Khuynh cho biết, ở những bức tranh sơn dầu, có thể thoải mái sử dụng cảm xúc vào sáng tác, nhưng ở tranh sơn mài, phải có khuôn khổ, giới hạn. Ngay trong những lúc khô cứng nhất vẫn phải giữ cảm xúc, vừa phải giữ tư duy trong cảm xúc vì chất liệu sơn mài có những giới hạn nhất định.
Những bức tranh của họa sĩ Hùng Khuynh tràn ngập những màu sắc tươi vui, rộn rã của lễ hội, mặc dù không phải tranh nào cũng có đề tài lễ hội. Ông cho biết, bất cứ bức tranh trừu tượng nào của mình, ông cũng đều phải đi từ hiện thực đến trừu tượng, lấy ý tưởng từ hiện thực bên ngoài. Chính vì thế những bức tranh của ông mang đến những cảm xúc từ hiện thực mà ông cảm nhận từ đời sống. Sự tươi tắn rạng rỡ trong mỗi bức tranh đều thực sự mang đến cho người xem những nguồn năng lượng tích cực.
Nói về triển lãm của người bạn họa sĩ vong niên, nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ, Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đây là một triển lãm tranh sơn mài quy mô và đầy đủ quy cách mà rất lâu rồi giới mỹ thuật mới có được. Ở họa sĩ Hùng Khuynh, có cả phong cách, tài năng và sự cần cù phi thường, đó là những yếu tố để ông ra được một triển lãm lớn như thế này, với những tác phẩm có kích cỡ lớn, hoành tráng. Tranh của họa sĩ có nội dung phong phú, với yếu tố truyền thống kết hợp với hiện đại.
“Tôi cho rằng đây là một triển lãm thành công, với những tác phẩm đẹp, dựa trên một thứ chất liệu rất kỳ công, rất mất thời gian và tốn kém. Lâu lắm rồi mới có một triển lãm quy mô như vậy về sơn mài. Tôi ngưỡng mộ họa sĩ Hùng Khuynh và coi anh ấy như một tấm gương để noi theo” – họa sĩ Thế Hùng nói.
Gửi phản hồi
In bài viết