Bà Georgieva cảnh báo, đà phục hồi có thể bị kìm hãm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu mất đi 5.300 tỷ USD trong 5 năm tới nếu khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng hiện nay giữa các nước phát triển và các nước nghèo không được thu hẹp. Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nước giàu tăng phân phối vắc xin đến các nước nghèo, dỡ bỏ các hạn chế thương mại và tăng quỹ hỗ trợ cho hoạt động xét nghiệm, truy vết và điều trị Covid-19...
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức cho phép sử dụng mũi tiêm tăng cường bằng vắc xin của Pfizer/BioNTech. Nga đã thông báo hủy bỏ các sự kiện đại chúng đông người trên toàn quốc do dịch diễn biến phức tạp.
Tại châu Á, Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận việc đặt lịch tiêm vắc xin Covid-19 cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, tuy nhiên nhấn mạnh nhóm đối tượng này không thuộc diện bắt buộc tiêm chủng. Dự kiến, thanh niên từ 16 đến 17 tuổi sẽ được đặt lịch trước từ ngày 5-10 đến 29-10 và bắt đầu được tiêm từ ngày 18-10 đến 13-11; nhóm thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi sẽ đặt lịch tiêm từ ngày 18-10 đến 12-11 và tiêm từ ngày 1-11 đến 27-11. Mũi tiêm thứ hai sẽ tự động được đặt lịch 3 tuần sau mũi thứ nhất. Thái Lan cũng đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho lao động nhập cư, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10.
Tại châu Mỹ, thành phố Los Angeles (Mỹ) bắt buộc người dân phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ nếu muốn vào các địa điểm công cộng như quầy bar, nhà hàng, phòng tập thể thao... Tại Canada, nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch để nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng, dự kiến sang đầu năm 2022 thay vì vào mùa thu này như kế hoạch ban đầu.
Đến 23h ngày 6-10, thế giới ghi nhận 236.788.150 ca nhiễm Covid-19, 4.834.662 ca tử vong và 213.900.920 bệnh nhân đã bình phục.
Gửi phản hồi
In bài viết