Thế giới thải ra gần 4 tỷ tấn rác vào năm 2050

Thế giới thải ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị trong năm 2023. Con số này sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Theo nghiên cứu mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm sẽ gia tăng với những dự đoán cho thấy mức tăng rác thải lớn nhất xảy ra ở những khu vực đang phụ thuộc vào việc đổ và đốt rác ngoài trời. Hành động này thải ra khí nhà kính, khiến đất, nước và không khí nhiễm các hóa chất độc hại.

Theo ước tính, nếu không thực hiện những hành động khẩn cấp, lượng rác thải sẽ vượt dự báo trước đó, dự kiến​​ tăng lên mức 3,8 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này. “Núi rác” sẽ gây gánh nặng kinh tế gần gấp đôi khi tính đến những chi phí liên quan tới việc xử lý chất thải, từ 361 tỷ USD ở năm 2020 lên khoảng 640 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Việc tạo ra chất thải về bản chất gắn liền với GDP và nhiều nền kinh tế phát triển nhanh đang phải vật lộn với gánh nặng chất thải gia tăng”.


Rác thải gây ra những tác động nghiêm trọng đến kinh tế, môi trường và sức khỏe. Ảnh: Reuters

Do đó, báo cáo của UNEP và Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) có thể hỗ trợ chính phủ các quốc gia trong nỗ lực tạo ra một xã hội bền vững hơn và bảo đảm một hành tinh đáng sống cho các thế hệ tương lai.

Theo báo cáo, những biện pháp bao gồm việc ngăn chặn rác thải phát sinh ngay từ đầu, cũng như các phương pháp tiêu hủy và xử lý tốt hơn có thể hạn chế chi phí ròng hằng năm vào năm 2050 xuống còn khoảng 270 tỷ USD.

Nhưng vấn đề rác thải thậm chí có thể được xử lý tốt hơn bằng cách chuyển sang một mô hình kinh tế tuần hoàn hơn, trong đó sự thịnh vượng không gắn liền với tình trạng gia tăng chất thải. Nếu thực hiện được điều này, lợi ích kinh tế ròng đạt hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Zoe Lenkiewic, tác giả chính của báo cáo đến từ UNEP đánh giá, những phát hiện của báo cáo chứng minh rằng thế giới cần khẩn trương chuyển sang phương pháp tiếp cận không rác thải, đồng thời cải thiện quản lý chất thải để ngăn ngừa ô nhiễm, phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Các bãi chôn lấp rác thải trên thế giới là nguồn phát thải chính khí metan gây hiệu ứng nhà kính mạnh, được thải ra khi chất thải hữu cơ như phế liệu thực phẩm phân hủy, đồng thời việc vận chuyển và xử lý rác thải cũng tạo ra khí carbon dioxide làm nóng hành tinh.

Các hoạt động xử lý chất thải bừa bãi có thể khiến những hóa chất độc hại nhiễm vào đất, nước và không khí, gây ra thiệt hại lâu dài, có khả năng không thể phục hồi đối với hệ thực vật và động vật địa phương, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho toàn bộ hệ sinh thái và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.

Trong khi đó, việc đốt rác có thể giải phóng hóa chất độc hại vĩnh viễn vào không khí, gây ra những tác động có hại đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục