Cháy rừng gần khu vực Mistissini, thành phố Quebec, Canada, ngày 12/6/2023. (Ảnh: Reuters)
Theo Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia Mỹ (NCEP), ngày 3/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Mức nhiệt này vượt kỷ lục 16,92 độ C ghi nhận hồi tháng 8/2016.
Nhà khoa học về khí hậu Friederike Otto cảnh báo: "Đây không phải một dấu mốc đáng mừng. Đó là bản án tử hình với nhân loại và hệ sinh thái".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Zeke Hausfather tại nhóm phân tích dữ liệu nhiệt độ đất Berkeley Earth nhận định sự bất thường của thời tiết hiện nay chỉ là khởi đầu cho một loạt kỷ lục (nắng nóng) mới trong năm 2023.
Các cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt.
Thành phố Corpus Christi thuộc bang Texas của Mỹ ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 51 độ C trong tháng 6. Mức nhiệt tương tự cũng được ghi nhận ở các bang Oklahoma, Arkansas, Missouri và Louisiana.
Làng Oymyakon ở vùng Viễn Đông của Nga, cũng lập kỷ lục nhiệt độ lên tới 32 độ C hôm 3/7. Ngôi làng Oymyakon là nơi được gọi là khu vực có người sinh sống lâu dài lạnh nhất thế giới.
Theo truyền thông địa phương, nhiệt độ tại ngôi làng nằm ở vùng Yakutia xa xôi, hay Cộng hòa Sakha, đã lên tới 32 độ C vào ngày 3/7, vượt qua kỷ lục trước đó là 30,5 độ C được thiết lập vào cùng ngày vào năm 1949.
Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng gay gắt dài kỷ lục khi 9,8 ngày liên tiếp hứng chịu nhiệt độ trên 35 độ C.
Nhiệt độ ở một số khu vực ở Bắc Phi lên tới 50 độ C. Thậm chí ở Nam Cực, dù đang trong mùa Đông, nhiệt độ cao xấp xỉ 9 độ C.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu cùng tác động của hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ toàn cầu tăng bất thường và xu hướng này còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết