EU hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, căng thẳng tại Ukraine, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức lớn đối với nền nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nước EU thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thu hoạch nho tại thành phố Bordeaux, Pháp. (Ảnh AP)

EU được biết đến là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Theo Ủy ban châu Âu (EC), nền nông nghiệp EU không chỉ cung cấp các sản phẩm phong phú với giá cả phải chăng và chất lượng tốt, mà còn tạo việc làm cho khoảng 22 triệu người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, là vựa lương thực quan trọng của thế giới, EU cũng đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, tình trạng hạn hán kéo dài thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp tại EU. Đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong hàng trăm năm trở lại đây đã khiến các nguồn nước chính như sông Po ở Italia, Loire ở Pháp, Rhine ở Đức… cạn kiệt, kéo theo sản lượng lương thực giảm mạnh. Theo dự báo của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung của EU, sản lượng ngô của khối trong năm 2022 thấp hơn 16% so mức trung bình của 5 năm trước, trong khi sản lượng đậu tương và hoa hướng dương lần lượt giảm 15% và 12%.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp mới đây, các bộ trưởng Nông nghiệp EU đã nhất trí cho rằng, EU cần tăng cường an ninh lương thực, cải thiện tính bền vững của nền nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hiện đại vào hoạt động sản xuất. Theo các bộ trưởng, một trong những giải pháp cốt lõi là sử dụng các công nghệ mới để vừa giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, phân bón nhân tạo, vừa duy trì mức sản lượng cần thiết.

Việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu là chủ đề được đề cập nhiều lần trong các chương trình nghị sự của EU. Cuối tháng 6 vừa qua, EC đã đề xuất các quy định mới nhằm giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên toàn EU và phục hồi chất lượng cho 20% diện tích đất và biển vào năm 2030. Quy định này đã vấp phải một số ý kiến phản đối do lo ngại có thể khiến sản lượng mùa vụ giảm, song nhiều chuyên gia cho rằng, hiện có những kỹ thuật mới có thể thay thế thuốc trừ sâu mà không làm giảm sản lượng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Séc Zdenek Nekula (D.Nê-cu-la), nước đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng EU trong nửa cuối năm 2022, khẳng định, đã đến lúc EU cần xem xét lại một số cách tiếp cận truyền thống trong hoạt động sản xuất lương thực, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại mới.

Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng chống chịu của nền nông nghiệp trước tình trạng biến đổi khí hậu, các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi giống cây trồng, đồng thời tạo ra các giống cây có khả năng chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh. Trên thực tế, việc chuyển đổi giống cây trồng đã được áp dụng thành công tại một số nước trong khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, để thích nghi với tình trạng thời tiết ngày càng nắng nóng, nhiều nông dân tại nước này đã chuyển hướng sang canh tác cây cao lương. Sản lượng cây trồng này đã tăng từ 244 nghìn tấn lên gần 400 nghìn tấn trong giai đoạn 2016-2022. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, dù vẫn đang cạnh tranh với ngô và các loại ngũ cốc khác, nhưng cây cao lương đang dần có chỗ đứng tại châu Âu những năm gần đây.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho các nhà sản xuất lương thực hàng đầu trên thế giới, trong đó có EU, là nâng cao sản lượng nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại nhiều khu vực. Tuy nhiên, để giải được bài toán an ninh lương thực và giảm nghèo đói thì một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội để nền nông nghiệp EU tiếp tục phát triển trong thời gian tới

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục