Thái Lan ngăn chặn lãng phí thực phẩm: Giải pháp cho mục tiêu Xanh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) công bố một nghiên cứu cho thấy, 1/3 số thực phẩm được sản xuất cho con người trên thế giới bị sử dụng lãng phí, trở thành rác thải, tác động không nhỏ tới biến đổi khí hậu và gây mất an ninh lương thực. Trong nỗ lực giảm lượng rác thải thực phẩm vốn đang tăng lên cùng với sự phục hồi của ngành Du lịch, Hiệp hội Người tiêu dùng hữu cơ Thái Lan (TOCA) đã hợp tác với các khách sạn ở tỉnh đảo Phuket phát triển một hệ sinh thái phù hợp với Mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG).

Hiệp hội Người tiêu dùng hữu cơ Thái Lan (TOCA) khuyến khích các khách sạn lắp đặt máy hủy chất thải thực phẩm.

Với việc du lịch Phuket đang trên đà phục hồi và đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch trong năm nay, tình trạng lãng phí thực phẩm được coi là một vấn đề. Ông Arrut Navaraj, người sáng lập và Chủ tịch TOCA cho biết, hiệp hội đã phát triển một hệ sinh thái dựa trên chuỗi kết nối người tiêu dùng bao gồm khách du lịch, nhà hàng khách sạn với mạng lưới nông dân hữu cơ được chứng nhận trên khắp đất nước, đáp ứng các thông lệ tốt nhất về thực phẩm và tính bền vững.

Tổ chức này đã làm việc với Hiệp hội Khách sạn Phuket (PHA) để thực hiện một dự án thí điểm khuyến khích các khách sạn biến chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ chất lượng cao. TOCA sẽ khuyến khích các khách sạn lắp đặt máy hủy chất thải thực phẩm do đối tác Bang Krachao Farm phát triển. Chất thải có thể dễ dàng phân hủy để tạo ra phân hữu cơ với mức tiêu thụ năng lượng thấp. Các khách sạn có thể sử dụng loại phân này cho khu vườn của họ hoặc bán cho nông dân trong mạng lưới TOCA.

Ngoài Phuket, TOCA đang có kế hoạch hợp tác với các khách sạn trên đảo Samui và ở tỉnh Chiang Mai để triển khai mô hình nền tảng hệ sinh thái chất thải thực phẩm. TOCA cho rằng, đây sẽ là ví dụ điển hình để thúc đẩy các hoạt động và là thông lệ tốt của các khách sạn trên khắp Thái Lan.

Trong nhiều nỗ lực, quốc gia Đông Nam Á này đang cố gắng cải thiện hệ thống quản lý rác thực phẩm và làm cho nó trở nên thân thiện hơn với môi trường. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, rác thải thực phẩm chiếm 64% tổng lượng rác thải ở nước này và gần 40% lượng rác thải đó vẫn có thể ăn được và có chất lượng tốt. SOS là tổ chức giải cứu lương thực đầu tiên ở Thái Lan đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu thất thoát lương thực dư thừa không cần thiết và cải thiện công bằng lương thực bằng cách phân phối lại lương thực dư thừa chất lượng cao từ các doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm như khách sạn, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và các nhà cung cấp khác cho các cộng đồng có nhu cầu ở Bangkok, Phuket, Hua Hin, Chiang Mai và những nơi khác trong nước. SOS đặt mục tiêu phân phối 25 triệu bữa ăn vào năm 2025 bằng cách tăng cường hoạt động và năng lực qua việc thành lập một ngân hàng thực phẩm và các điểm phân phối trên khắp Thái Lan.

Nghiên cứu của FAO chỉ ra rằng, lãng phí thực phẩm là một vấn đề toàn cầu. Hằng năm, khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm vẫn ăn được bị bỏ vào thùng rác. Lãng phí thực phẩm không chỉ là mối quan tâm xã hội hay nhân đạo mà còn là vấn đề môi trường. Khi lãng phí thực phẩm, con người cũng lãng phí tất cả năng lượng và nước cần thiết để trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, đóng gói... Và nếu thức ăn bị đổ ra bãi rác, bị thối rữa sẽ tạo ra khí mê-tan (CH4), một loại khí nhà kính thậm chí còn mạnh hơn cả carbon dioxide (CO2). Khoảng 6-8% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra có thể giảm nếu ngừng lãng phí thực phẩm.

Nhiều hành động mà con người có thể thực hiện ở cấp độ người tiêu dùng để tạo ra sự khác biệt. Từ việc giao thức ăn thừa cho những người có nhu cầu đến thực phẩm đông lạnh, mua sắm thông minh hơn... tất cả chúng ta đều có thể thực hiện các bước nhỏ để hạn chế lượng khí thải của mình. Việc Thái Lan đi đầu trong xử lý rác thải thực phẩm hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục