Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa: Tạo dựng tương lai ''sạch''

Phiên đàm phán thứ hai (năm 2023) của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa (CIN-2) đã diễn ra tại Paris (Pháp), tiến gần hơn tới một hiệp ước chung nhằm tháo gỡ "một quả bom hẹn giờ" mà thực tế đã là "một tai họa", chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa, tạo dựng tương lai “sạch” cho nhân loại.

Khoảng 66% lượng nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường sau khi sử dụng.

Từ ngày 29-5 đến ngày 2-6, đại diện 175 quốc gia nhóm họp tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris nhằm mục đích đạt được bước tiến tiếp theo trong tiến trình xây dựng một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa trong năm 2024.

Phiên họp lần này diễn ra trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tiếp tục trở nên căng thẳng trên toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải CO2 mà còn đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của sinh vật biển. Nguy cơ ngày càng cao do sản lượng nhựa hằng năm tiếp tục tăng nhanh, trên đà tăng gấp ba lần trong vòng bốn thập niên. Ước tính, khoảng 66% lượng nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế.

Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen nhận định, thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của trái đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây hại cho sức khỏe con người.

Trong thông điệp video gửi tới phiên họp lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước tham gia đàm phán cần chấm dứt mô hình sản xuất "toàn cầu hóa không bền vững" với việc các quốc gia giàu xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn. Nhấn mạnh ô nhiễm nhựa không chỉ là "một quả bom hẹn giờ" mà thực tế đã là "một tai họa", ông chủ điện Elysee lưu ý các vật liệu dựa trên nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu cũng như đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người; kêu gọi các cuộc đàm phán ưu tiên giảm sản xuất nhựa và sớm cấm các sản phẩm ô nhiễm nhất như nhựa sử dụng một lần.

Trong các thảo luận, nhiều hành động chính sách đã tiếp tục được trao đổi, bao gồm lệnh cấm toàn cầu đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần và giới hạn sản xuất sản phẩm nhựa mới. Các đại biểu đã tìm cách thu hẹp những yếu tố đưa vào văn bản dự thảo hiệp ước cuối cùng. Nhân dịp này, UNEP cũng công bố kế hoạch chi tiết để giảm 80% chất thải nhựa vào năm 2040. Báo cáo vạch ra ba lĩnh vực hành động chính: Tái sử dụng, tái chế và định hướng lại bao bì nhựa sang các vật liệu thay thế.

Tuy nhiên, phiên họp thứ hai vẫn ghi nhận còn một số rào cản tồn tại, trong đó nổi bật là những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của mỗi quốc gia. Ví dụ, giảm sử dụng và sản xuất nhựa là một phần trong kế hoạch được Liên minh Tham vọng cao, gồm 55 quốc gia do Rwanda và Na Uy dẫn đầu, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU), Canada, Chile và Nhật Bản… mang tới kỳ họp lần này. Trong khi đó, Trung Quốc, Mỹ, Saudi Arabia… lại không muốn hướng đến việc cắt giảm tuyệt đối sản xuất, thay vào đó cho rằng, thúc đẩy tái chế và cải thiện quản lý chất thải mới là lời giải phù hợp lúc này.

Còn một số nhóm bảo vệ môi trường lại đang chỉ trích báo cáo của UNEP tập trung quá nhiều vào quản lý chất thải - điều bị coi là một sự nhượng bộ đối với ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận phiên họp lần này đã nối dài được những thành tựu của phiên họp lần đầu hồi tháng 2-2022, đồng thời tái khẳng định quyết tâm to lớn của các quốc gia trong việc hoàn thành mục tiêu chung toàn cầu là chấm dứt ô nhiễm nhựa. Với quyết tâm chung cao độ, có thể lạc quan rằng, dù những thách thức phía trước còn rất lớn nhưng “không phải là không thể vượt qua" như nhận định của Trưởng đoàn đàm phán Peru Gustavo Meza-Cuadra Velazquez.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục