Cụ thể, sự cố trên tuyến cáp biển AAG xảy ra vào 5h40 ngày 22-6 trên nhánh S1H cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102km, gây ảnh hưởng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế hướng Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).
Sự cố này khiến chất lượng dịch vụ internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng dưới 15% tổng dung lượng. Hiện, nguyên nhân sự cố cũng như thời gian sửa chữa vẫn chưa được đối tác quốc tế thông báo cho các nhà mạng trong nước.
Trước đó, trong tháng 5-2021, hai tuyến cáp biển APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1) đã lần lượt gặp sự cố. Việc sửa chữa và khôi phục dung lượng tuyến APG đã hoàn thành vào ngày 11-6 vừa qua. Với tuyến AAE-1, dự kiến từ ngày 1-7 tới, đơn vị quản lý mới bắt đầu sửa chữa và dự kiến ngày 7-7 khôi phục 100% dung lượng.
Sự cố vừa xảy ra trên tuyến AAG và cùng với sự cố trên tuyến AAE-1 chưa sửa chữa xong, khiến người dùng internet trong nước lại gặp cảnh chập chờn, khó truy cập vào các trang web, mạng xã hội nước ngoài, nhất là vào giờ cao điểm. Cả AAG và AAE-1 là hai tuyến cáp quang biển quốc tế mà các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đầu tư dung lượng nhiều nhất. Được biết, các nhà mạng trong nước đã cân tải, chuyển hướng kết nối sang các tuyến cáp biển khác như: APG, IA, SMW3 cũng như một số tuyến cáp đất liền để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng.
Tuyến cáp quang biển AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp này được đưa vào khai thác từ tháng 11-2009, có điểm kết nối qua các quốc gia: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Trung Quốc (Hồng Kông), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Gửi phản hồi
In bài viết