Sự bổ sung cần thiết
Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý về du lịch cho dự thảo quy hoạch mới này. Dự thảo nhằm cụ thể hóa những quan điểm, định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020.
Theo đó, du lịch được phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh vào năm 2030.
Dự thảo quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam trong giai đoạn này, gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó, du lịch biển đảo tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển. Ngành Du lịch ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh); vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và một số bãi biển đẹp ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); thành phố Đà Nẵng; tỉnh Bình Thuận… trở thành những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất phát triển thêm 3 loại hình du lịch mới: Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch thể thao. Trong đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, làng nghề và chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Du lịch thể thao gắn với thể thao biển, du lịch mạo hiểm, du lịch golf. Du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp khai thác tài nguyên tự nhiên từ khí hậu, nguồn khoáng nóng... Đây là sự bổ sung cần thiết gắn với thực tiễn phát triển du lịch của nước ta hiện nay.
Đánh giá về dự thảo quy hoạch mới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, cần quan tâm đến yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch và các vấn đề đô thị du lịch, đô thị văn hóa được đặt trong quy hoạch.
Khai thác hiệu quả các khu du lịch quốc gia
Trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, vấn đề xác định khu vực tiềm năng để bổ sung vào danh mục, tiến tới công nhận là khu du lịch quốc gia được nhiều địa phương quan tâm.
Hiện tại, cả nước có khoảng 50 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, nhưng mới công nhận được 7 khu. Dự kiến, giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ có 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Có thể kể đến một số địa điểm dự kiến bổ sung vào danh mục khu du lịch quốc gia, gồm: Khu vực cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), khu vực Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), khu vực Hải Tiến (tỉnh Thanh Hóa), khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông; khu vực Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)... Nhiều địa phương vẫn tiếp tục đề nghị bổ sung các địa điểm mới, như: Khu lưu niệm Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh), khu du lịch Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc) hay các khu vực Pù Luông, Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa)...
Để thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển hơn, Sở Du lịch Hà Nội cũng đề xuất bổ sung vào hệ thống quy hoạch du lịch quốc gia một số địa điểm có tiềm năng phát triển, như: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); khu du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây). Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội còn đề xuất cập nhật vào đồ án quy hoạch mới một số tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng du lịch từ Hà Nội đến các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc.
Theo liên danh tư vấn xây dựng dự thảo quy hoạch (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Công ty cổ phần Quy hoạch Hà Nội), nhiều khu vực nằm trong danh mục khu du lịch quốc gia chưa phát huy được tiềm năng, vì thế việc bổ sung vào danh mục khu du lịch quốc gia cần phải được tính toán kỹ. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia Lê Anh Dũng cho biết, nhiều khu du lịch quốc gia chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, vì còn nhiều hạn chế về sử dụng đất, thu hút đầu tư hạ tầng và khả năng kết nối.
Dự thảo quy hoạch đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý, sau đó sẽ được hoàn thiện trong năm 2022. Đây sẽ là bản quy hoạch quan trọng của ngành Du lịch để phát triển bài bản, lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết