Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành hướng dẫn tạm thời với 4 nội dung cụ thể đón khách quốc tế về lộ trình, khách du lịch, quy trình, tổ chức thực hiện.
Lộ trình được chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Tháng 11-2021, khách đi theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thương mại quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Giai đoạn 2: Tháng 1-2022, mở rộng sang một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện. Giai đoạn 3: Mở cửa hoàn toàn thì căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, trên cơ sở đánh giá việc mở cửa đón khách của 2 giai đoạn đầu.
Về khách du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, có hiệu lực đủ 14 ngày, không quá 12 tháng; có kết quả xét nghiệm PCR âm tính; có bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch, trong đó có nội dung chi trả Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD…
Về thời điểm, giai đoạn 1 sẽ tiến hành từ ngày 20-11 đến 20-12-2021. Tỉnh Kiên Giang sẽ thử nghiệm quy trình đón khách đầu tiên; sau đó đến giữa tháng 11-2021 là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam; tháng 12-2021 là Quảng Ninh...
* Thông tin về việc xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quá trình xây dựng chương trình đề ra 2 quan điểm cốt lõi là kết hợp giữa phục hồi và phát triển, do đó, các giải pháp đưa ra cũng phối hợp căn cơ giữa ngắn hạn và lâu dài.
Trên cơ sở đó, chương trình dự kiến đề ra 5 nhóm giải pháp. Đầu tiên là kiểm soát hiệu quả, linh hoạt, tạo điều kiện cho việc mở lại bình thường các hoạt động kinh tế - xã hội; đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần cho thực hiện các giải pháp khác. Hai là nhóm giải pháp về an sinh xã hội. Ba là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp khó khăn do dịch có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực cần thiết cho phát triển đường dài.
Cùng với đó, chương trình sẽ có giải pháp dài hơi hơn là thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công thì cũng đề xuất các điểm nhấn về thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại. Giải pháp cuối cùng mang tính chất quản lý điều hành, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, quản trị nhà nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.
“Năm giải pháp nêu trên có quy mô toàn diện, được kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết