Nỗ lực cho mục tiêu mới
Năm 2021 khép lại, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 16,8% so năm 2020, tăng 6,6% so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra năm 2021. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 159,7 triệu USD, tăng 34,2% so với năm 2020, tăng 17,5% so với kế hoạch năm 2021. Kết quả của năm 2021 là nền tảng để tỉnh phấn đấu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 140 triệu USD...
Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với các giải pháp chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng, ngay từ những ngày đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, công nhân hồ hởi vào ca thi đua lao động sản xuất. Ngày đầu năm, gần 200 công nhân, người lao động của Công ty TNHH HITARP Việt Nam đang hăng say lao động, làm ra những sản phẩm đầu tiên để chào đón năm mới. Hòa lẫn tiếng máy, anh Vi Văn Thống, công nhân của công ty cho biết, tuy mới vào làm việc trong công ty nhưng anh đã có thu nhập 6 triệu đồng/tháng, được tham gia các loại hình bảo hiểm. Do công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng nên năm nay anh sẽ cố gắng thực hiện vượt số lượng sản phẩm được giao khoán để có mức thu nhập cao hơn năm trước.
Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang gia công sản phẩm xuất khẩu.
Mới đi vào sản xuất tháng 6-2021, với số vốn đầu tư trên 140 tỷ đồng, 100% vốn Hàn Quốc, Công ty TNHH HITARP Việt Nam chuyên sản xuất bạt, bao bì xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã tạo việc làm ổn định cho gần 200 công nhân. Ông Trần Văn Hòa, Giám đốc Công ty cho biết, hiện đơn vị đang chạy công suất 250 tấn/tháng, xuất khẩu sang các nước châu Âu, bắc Á. Trong năm 2022 khi sản xuất ổn định, công ty nâng công suất lên gấp đôi và tuyển thêm khoảng 300 công nhân.
Mới đưa 15 chuyền may với 700 công nhân vào sản xuất, Tổng Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG đã đón nhiều tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm mới. Anh Nguyễn Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang LGG cho biết, hiện đơn vị có 24 chuyền may, đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất đơn hàng đầu tiên của năm 2022 giao trong quý I này. Đây là tín hiệu vui với đơn vị cũng như người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo sản xuất, công ty đã thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành Y tế về phòng chống dịch. Công ty phấn đấu năm 2022 đạt 6 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 6 - 7 triệu USA. Chị Hoàng Thị Hiên, tổ may 19 phấn khởi nói, ngay từ đầu năm anh em công nhân đã có nhiều việc để làm, đó là niềm vui lớn nhất của người lao động. Chị mong một năm nhiều thuận lợi với doanh nghiệp để công nhân luôn có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2021, Tổng Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG sản xuất trên 4 triệu sản phẩm, doanh thu đạt trên 4 triệu USD góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh.
Mới 6 giờ 30 phút hàng ngày, công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang hồ hởi vào ca. Những tiếng cười vui rộn rã chào hỏi nhau của anh em công nhân trước khi bắt tay vào ngày làm việc mới làm bầu không khí tại đây trở nên sôi nổi, gần gũi. Chị Hoàng Thị Phong, xã Kim Phú (Yên Sơn) năm nay 42 tuổi xúc động bảo, từ khi được tuyển dụng vào làm việc tại công ty, chị đã được tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ đó, chị bắt nhịp khá nhanh với hệ thống máy sấy ván bóc hiện đại. Thu nhập của chị đạt gần 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định hơn trước.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, công suất thiết kế 150.000 m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất từ gỗ rừng trồng, tạo việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động. Công ty chủ động hướng dẫn kỹ thuật, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX và hơn 600 hộ trồng rừng sản xuất nguyên liệu và được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản lý rừng thế giới) hơn 1.451ha tại huyện Yên Sơn. Năm 2021, Công ty xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản đạt khoảng 8 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Công ty phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng sản xuất năm 2022 từ 10 - 15%, doanh thu tăng khoảng 10% năm 2021.
Quyết liệt thi công các công trình trọng điểm
Những ngày đầu năm mới 2022, các đơn vị thi công đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang tổ chức thi công quyết liệt cho phần đào đắp, tạo mặt bằng. Anh Bùi Tiến Sỹ, Chỉ huy trưởng công trường Công ty cổ phần Licogi 14 cho biết: Tranh thủ thời tiết ủng hộ, Công ty cổ phần Licogi 14 chỉ đạo cán bộ, công nhân đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu số 26 dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Để thực hiện gói thầu này, công ty đã huy động toàn bộ nhân công và 30 thiết bị máy móc làm việc tăng ca không quản ngày đêm. Khối lượng đào đắp một ngày lên tới 400 khối đất đá. Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, công ty phải nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động vừa đảm bảo tiến độ thi công công trình. Anh Trần Văn Hải, công nhân lái máy xúc của đơn vị vui vẻ cho biết, công nhân làm việc với tinh thần chiến thắng mọi thử thách, hăng say và quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu ban lãnh đạo đề ra năm 2022 là cơ bản thực hiện xong phần đào đắp.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh kiểm tra tiến độ thi công
cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Công ty cổ phần Licogi 14 là 1 trong 3 nhà thầu trúng gói thầu số 26 “Thi công xây dựng đoạn tuyến từ Km0+00 -Km11+300 thuộc Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ” cùng Công ty Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty TNHH Hiệp Phú với tổng trị giá hơn 487 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh nhấn mạnh, Ban thực hiện thường xuyên việc kiểm tra thi công dự án của các nhà thầu vừa để nhắc nhở, đôn đốc các nhà thầu thi công đúng tiến độ, vừa kiểm tra năng lực thi công và tháo gỡ những vướng mắc khi phát sinh. Nếu kiểm tra các nhà thầu không làm đúng, đủ tiến độ Ban cương quyết mời ra khỏi dự án.
Cùng với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, các Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; cầu Xuân Vân vượt sông Gâm (Yên Sơn) và cầu qua sông Lô, cầu Km 71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi Bạch Xa (Hàm Yên) đang được các đơn vị thi công dồn nhân lực, vật lực thực hiện.
Tại công trình thi công cầu Xuân Vân vượt sông Gâm (Yên Sơn) đang được Công ty cổ phần Đạt Phương (DPG) Hà Nội đẩy mạnh thi công. Anh Hoàng Anh Tuấn, công nhân thi công mố cầu cho biết, tranh thủ trời tạnh ráo, đơn vị đẩy mạnh thực hiện khoan, nhồi cọc bê tông. Theo thiết kế cầu được xây dựng với quy mô bê tông cốt thép, dạng cầu dầm cáp dự ứng lực hỗn hợp với tổng số tiền đầu tư trên 122 tỷ đồng.
Với sự chủ động trong sản xuất và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, các công trường, nhà máy, xí nghiệp đang ra sức thi đua lao động sản xuất, phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết