Cùng một hiện thực khách quan nhưng hai đối tượng có hai góc nhìn khác nhau, dẫn đến thái độ, quan điểm đối lập nhau. Trên mặt trận tư tưởng văn hóa, không ít người đang bị các thế lực xấu dẫn dụ bằng góc nhìn, tư duy của đạo tặc...
Thông điệp “ru ngủ” và thông tin “tầm gửi”
Gần đây, nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube... chia sẻ video của một du học sinh Việt Nam ở nước ngoài nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tâm tư của một bộ phận người Việt Nam ở hải ngoại. Sản phẩm này được làm từ năm 2020, nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời gian này, nó được nhiều người sử dụng, chia sẻ lại như một cách để họ lan tỏa thông điệp của một bộ phận trí thức trẻ có cơ hội đi du học nước ngoài đối với tình hình đất nước, tương lai dân tộc.
Theo dõi thì thấy, chủ nhân của tài khoản có video trên mạng xã hội là người có kiến thức, năng động, có kỹ năng diễn đạt bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tiếc rằng, chỉ với một góc nhìn hẹp thông qua lăng kính của người nước ngoài, cô đã vội bày tỏ thái độ đồng tình với quan điểm về chiến tranh của những kẻ đã từng đem quân đến xâm lược Tổ quốc mình. Cô khuyên các bạn trẻ, có cơ hội hãy đi du học để được mở mang, khám phá và hãy nhìn nhận đất nước mình qua lăng kính của người khác để đánh giá lịch sử một cách đúng đắn và trọn vẹn hơn...
Trên không gian mạng hiện nay, xuất hiện rất nhiều những sản phẩm truyền thông dạng như vậy. Thực trạng này cho thấy, các thế lực thù địch đã và đang có sự điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ về phương thức, thủ đoạn chống phá. Cùng với việc sử dụng những thành phần bất hảo, phản bội Tổ quốc ra mặt chống đối Đảng, Nhà nước bằng kiểu tấn công, đả kích, xuyên tạc công khai, trực tiếp trên không gian mạng, họ đã hướng đến ngày càng nhiều hơn việc sử dụng những trí thức trẻ, du học sinh có tư tưởng cực đoan như một công cụ tinh vi.
Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Với cách lập ngôn tự sự, bằng lối diễn đạt nhẹ nhàng kiểu “ru ngủ”, những “phát thanh viên” trẻ tuổi này dẫn dụ người nghe bằng sự cài cắm thông tin rất khôn khéo, tinh vi. Họ luôn miệng nói rằng, mình không quan tâm đến chính trị. Rằng, mình nói lên vấn đề chỉ là bày tỏ một góc nhìn, một quan điểm cá nhân để mọi người cùng suy ngẫm. Kết luận thế nào là quyền của mỗi người... Nhưng thực chất thì đó là một kiểu “diễn biến hòa bình” tinh vi.
Cách truyền thông kiểu “nửa nạc nửa mỡ” này là một chiêu bài dân túy, một phương thức biến thể của “cách mạng màu” được các thế lực thù địch áp dụng để chống phá Việt Nam trên không gian mạng. Biểu hiện của nó là hình thức tuyên truyền “mật ngọt chết ruồi”, “mưa dầm thấm lâu”... Sự thay đổi, điều chỉnh phương thức của họ xuất phát từ thực tế là, kiểu tung tin giả, dựng chuyện nói xấu, xuyên tạc sự thật, công kích trực diện... đã tỏ ra không còn tác dụng.
Hằng ngày hằng giờ không gian mạng ngập những thứ “rác” thông tin độc hại do họ tung ra, đại đa số công chúng đã không dễ bị mắc lừa. Để có thể truyền tải thông điệp phản động, họ thay đổi chiến thuật, sử dụng phương thức “vu hồi”. Cùng với những chiến dịch, sản phẩm truyền thông kiểu “ru ngủ” như trên, còn có kiểu tầm gửi thông tin. Một số đối tượng từng công khai chống phá, đã thay đổi thái độ, quay sang phát ngôn ủng hộ Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, trong các sản phẩm truyền thông của họ, sự cài cắm những tư tưởng chống phá vẫn khá rõ. Trong một bài nói, bài viết, họ cài cắm một vài ý, một vài dòng, thậm chí chỉ một vài câu chứa thông điệp ám chỉ, kích động, thù địch. Kiểu ký sinh thông tin độc hại dạng này rất nguy hiểm. Nó như cây tầm gửi. Ban đầu chỉ là một mầm nhỏ, dần dần nó sẽ hút dưỡng chất của cây chủ để sinh sôi, thực hiện mưu đồ soán ngôi, lật đổ. Chúng ta cần vạch rõ, nhận diện rõ để giúp công chúng có kỹ năng phân biệt thật giả, trắng đen giữa mớ thông tin vàng thau lẫn lộn.
Từ góc nhìn đến thái độ
Có thể thấy phương thức, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu, các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, bài bản. Tuy nhiên, bằng thái độ khách quan, bình tĩnh, sáng suốt, chúng ta không khó để nhận diện đúng bản chất của vấn đề. Bởi, những mưu đồ đen tối, dù có che đậy, ngụy trang tinh vi đến đâu, tự bản thân nó cũng sẽ lòi ra cái “đuôi cáo” giấu trong bộ lông sặc sỡ. Trên không gian mạng, những sản phẩm tuyên truyền của họ được ngụy trang dưới những thuật ngữ gọi là “sự thật”, “chính kiến”, “góc nhìn”, “suy nghĩ”, “chuyện riêng”... không khó để nhận ra những nội dung, thông điệp được họ cài cắm trong những câu chuyện, dòng trạng thái, cuộc trao đổi...
Đó có thể là video trên trang cá nhân của một du học sinh có tư tưởng cực đoan, buổi Livestream của một người tự xưng là “học giả”, “nhà nghiên cứu”... Đáng chú ý là, trước khi thực hiện các nội dung tuyên truyền, chủ của các tài khoản mạng xã hội ấy thường tạo dựng lòng tin, gây thiện cảm với người khác bằng cách khéo léo giới thiệu nhân thân của mình.
Chẳng hạn, bản thân từng là học sinh giỏi, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từng được giáo dục chu đáo, từng tự hào về Đảng... Nhưng khi ra nước ngoài, được học tập, được tiếp xúc, mở mang tầm hiểu biết thì sự thật lại không như những gì được giáo dục, học tập khi ở nhà...
Điều đáng nói là những sản phẩm truyền thông ấy thu hút sự tương tác của khá nhiều người, nhất là giới trẻ, cả trong nước và du học sinh, kiều bào. Không ít người bày tỏ thái độ yêu thích, ủng hộ, hưởng ứng. Họ dễ tin vào thứ “mật ngọt chết ruồi” ấy bởi nhiều người bị kéo vào góc nhìn do đối tượng đã bố trí sẵn. Từ việc tương tác, hưởng ứng thông điệp cực đoan, một số người quay lưng thể hiện thái độ “thất vọng” với Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành quả cách mạng của cha ông, cổ súy tư tưởng hướng ngoại.
Để nhận diện rõ phương thức chống phá tinh vi của các thế lực thù địch thông qua các sản phẩm truyền thông như đã nêu trên, công chúng không gian mạng cần xác định, lựa chọn góc nhìn đúng đắn. Hiện thực khách quan chỉ có một. Bày tỏ thái độ như thế nào, phụ thuộc vào góc nhìn của bạn. Không ai phản đối việc các bạn trẻ khi ra nước ngoài học tập, làm việc, có đam mê nghiên cứu, học hỏi, lắng nghe dư luận bạn bè quốc tế đánh giá về đất nước mình, dân tộc mình, tiên tổ, ông cha mình, kể cả quan điểm của những cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả đều là những góc nhìn tham chiếu. Để đánh giá hiện thực, cần một cái nhìn tổng thể dựa trên thế giới quan, phương pháp luận khoa học.
Khi bạn bị kẻ xấu dẫn dụ vào góc nhìn thiên lệch, võ đoán, cực đoan theo ý đồ của họ, lịch sử dân tộc và hiện thực đất nước tất yếu sẽ bị bóp méo, phiến diện. Câu chuyện dân gian về thi nhân và đạo tặc nhắc nhở chúng ta rằng, khi mình có góc nhìn đúng đắn, sẽ có thái độ tích cực. Có thái độ tích cực mới tạo ra năng lượng tích cực để có hành động vì chân lý, lẽ phải, biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Đánh giá về lịch sử đất nước, về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà lại nhìn qua lăng kính của kẻ từng đi xâm lược Tổ quốc mình rồi coi đó là “hiện thực khách quan”, kêu gọi Đảng, Nhà nước phải thay đổi chủ trương, đường lối... thì đó là cách làm phản khoa học, phi thực tế. Hành trang, điều kiện để thúc đẩy hòa hợp dân tộc là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi đẹp để chung tay xây dựng đất nước phồn vinh. Lấy cớ hòa hợp dân tộc để “tẩy sử”, “lật sử” là hành vi của đạo tặc, cần phải đấu tranh lên án và loại bỏ.
Đường lối, chủ trương, phương châm đối ngoại, quan hệ quốc tế của Việt Nam là chọn chính nghĩa và lẽ phải, không chọn bên. Là những công dân, những trí thức trẻ ra nước ngoài học tập, làm việc, điều tuyệt vời nhất các bạn trẻ cần làm đó là hãy chứng minh, chứng tỏ mỗi công dân là một “sứ giả” của văn hóa dân tộc, của vị thế quốc gia.
Diện mạo đất nước cũng như đêm trăng sáng. Đó là hiện thực khách quan. Vì lý do gì mà bạn không đứng ở vị trí của thi nhân, lại để kẻ xấu lôi kéo làm đạo tặc?
Gửi phản hồi
In bài viết