Thi tốt nghiệp THPT: Thấp thỏm... chờ phương án

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025.

Phần đông ý kiến ủng hộ phương án cho học sinh được tự chọn môn thi nhằm giảm áp lực, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu của giai đoạn giáo dục trung học phổ thông là phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Lúc này, học sinh và giáo viên đang thấp thỏm chờ phương án chính thức...


Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Ba phương án thi

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những nguyên tắc xây dựng dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là giảm áp lực mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Ngày 28-9 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả lấy ý kiến trên phạm vi cả nước về 2 phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 gồm 4+2 và 3+2. Theo đó, có gần 74% cán bộ, giáo viên lựa chọn phương án 3+2, tức là học sinh phải thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm cả lịch sử. Hơn 26% cán bộ, giáo viên chọn phương án 4+2, tức là học sinh phải thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định, trong đó, phương án 3+2 được đa số ủng hộ vì học sinh phải thi số môn ít hơn. Bà Trần Minh Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho rằng, áp lực thi cử không chỉ khiến học sinh mà cả gia đình học sinh đều rất căng thẳng. Trong khi đó, mục tiêu của ngành Giáo dục là hướng đến việc giảm áp lực. Khi số môn thi ít hơn thì áp lực thi cũng sẽ giảm, đồng thời các gia đình học sinh cũng bớt vất vả, tốn kém.

Ghi nhận thực tế cho thấy, điều khiến một số cán bộ, giáo viên băn khoăn nhất ở phương án 3+2 là có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học lịch sử. Các ý kiến cho rằng, lịch sử là môn học bắt buộc thì cũng nên là môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, không ít ý kiến phản biện điều này và cho rằng, nếu theo logic này thì học sinh phải thi tất cả các môn học bắt buộc trong chương trình.

Ngoài 2 phương án thi nói trên, trong quá trình khảo sát tại một số địa phương, căn cứ nguyện vọng của nhiều cán bộ, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bổ sung phương án 2+2, tức là học sinh chỉ phải thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả ngoại ngữ và lịch sử).

Giáo viên, học sinh mong giảm áp lực thi

Dù mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra vài ngày nay, song phương án 2+2 đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rất cao từ dư luận, nhất là với học sinh đang học lớp 11 và giáo viên. Em Trần Thị Minh Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Em ủng hộ phương án chỉ thi 2 môn bắt buộc. Điều này vừa giảm áp lực về số môn bắt buộc, lại vừa tạo động lực, khích lệ chúng em học thật tốt các môn mình yêu thích để chuẩn bị thật tốt cho việc chọn ngành, chọn trường ở bậc đại học”.

Hầu hết giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có chung nhận định, điều hiển nhiên là phương án thi nào càng ít môn sẽ càng được cộng đồng ủng hộ. Các giáo viên cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là giáo dục, truyền động lực cho học sinh yêu thích học tập và hiểu rằng, môn học nào, công việc nào cũng đều quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đều có mục tiêu giáo dục nhân cách, đạo đức và trí tuệ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Là một trong số nhiều giáo viên ủng hộ phương án 2+2, cô giáo Cao Thanh Hà, giáo viên môn tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nêu quan điểm: “Phương án này giảm áp lực nhiều nhất cho học sinh, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả làm dữ liệu để tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, sớm đưa ra phương án thi hợp lý nhất để tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp”.

Lý giải cho việc không nhất thiết phải đưa lịch sử thành môn thi bắt buộc, một số nhà giáo cho rằng, để học sinh yêu thích môn học này cần tập trung giải quyết từ gốc, tức là bằng việc cải tiến phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình. Những học sinh thực sự đam mê, mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và có dự định theo học các ngành gần với nội dung môn này sẽ có cơ hội lựa chọn, thể hiện ở kết quả thi.

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án thi chính thức sẽ được công bố trong quý IV-2023. Thời điểm này, học sinh lớp 11 đã sắp bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ I. Các em đang mong chờ từng ngày phương án thi cụ thể để có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp...

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục