Thị trường “vàng”
Thống kê trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ đang tăng cao.
Theo đó, lượng tìm kiếm về hàng không đến Việt Nam từ Ấn Độ tăng 400% vào đầu tháng 4-2022 và tiếp tục tăng cao những tháng sau đó. Tốp 10 điểm đến của Việt Nam được du khách Ấn Độ quan tâm tìm kiếm nhiều nhất là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, Ấn Độ được coi là một trong những thị trường trao đổi khách tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt là khi các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga chưa thể khai thác. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2022, khách Ấn Độ đến Việt Nam đạt 11.700 lượt, là một trong những thị trường đạt tỷ lệ phục hồi nhanh nhất. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường này vẫn chưa được khai thác hết.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trước đây, ngoài khó khăn về đường bay thì thông tin du lịch hai nước còn hạn chế, vấn đề thị thực… cũng ảnh hưởng đến lượng khách. Với việc mở các chuyến bay thẳng đến Ấn Độ, dự báo thời gian tới, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, Ấn Độ là đất nước Phật giáo với phong cảnh đẹp, văn hóa đa dạng, sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách Việt, đặc biệt là sản phẩm du lịch tâm linh.
Còn theo đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen du lịch của người dân nước này. Thống kê cho thấy, sau dịch, người Ấn Độ đã thay đổi thói quen khi nhu cầu đi ra các nước để nghỉ dưỡng rất lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á được du khách Ấn Độ quan tâm và ưa chuộng để du lịch nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú, dịch vụ tốt cũng như giàu bản sắc văn hóa.
Hiện nay, một số đường bay thẳng tới Ấn Độ đã được triển khai như, đường bay từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đi 3 thành phố thủ phủ của vùng Tây, Trung và Nam Ấn Độ, gồm Ahmedabad, Hyderabad và Bangalore (Bengaluru). Hãng hàng không Ấn Độ Indigo cũng sẽ mở đường bay thẳng tới Việt Nam vào tháng 10 tới, là điều kiện tốt để đẩy mạnh lượng khách qua lại giữa hai nước trong thời gian tới. Khách du lịch Việt Nam cũng được Chính phủ Ấn Độ cấp thị thực điện tử, tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho du khách Việt đến Ấn Độ.
Cần chiến lược để khai thác
Từ đầu tháng 8-2022, Ấn Độ đã tổ chức đoàn famtrip gồm hơn 30 đơn vị lữ hành đến Việt Nam để khảo sát thị trường, tăng cường hợp tác trong việc tổ chức các tour, tuyến đưa khách từ Ấn Độ đến Việt Nam. Đoàn khảo sát của Ấn Độ đã đến Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… để xây dựng tuyến, điểm du lịch mới.
Thị trường du lịch Ấn Độ được xem là tiềm năng lớn của du lịch Việt Nam nhưng cần phải có chiến lược để khai thác.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, giai đoạn từ 2015-2019 (tức thời điểm trước khi xảy ra Covid-19), tốc độ tăng trưởng khách Ấn Độ đến Việt Nam khá cao, bình quân đạt 26,7%, từ 65.600 lượt khách đến 169.000 lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ có gần 7.000 lượt khách Ấn Độ đến Đà Nẵng. Vì thế, việc tăng cường hợp tác với các đối tác Ấn Độ, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đón được khoảng 3 triệu lượt khách trong 2 năm tới.
Trong khi đó, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa nhận định, việc kết nối các tour, tuyến Ấn Độ với các tỉnh Nam Trung Bộ của Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa, sẽ là cơ hội để các tỉnh Nam Trung Bộ gắn kết, tạo sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Khánh Hòa sẽ tập trung khai thác dòng khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện).
Ở góc độ lữ hành, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam TravelMart Nguyễn Như Nam cho biết, thị trường 1,4 tỷ dân của Ấn Độ rất hấp dẫn các doanh nghiệp lữ hành. Đơn vị sẽ chú trọng dòng khách là tỷ phú Ấn Độ đến Đà Nẵng để tổ chức các sự kiện (như lễ cưới).
Mặc dù được đánh giá là thị trường khách tiềm năng nhưng nhiều địa phương cũng nhận định vẫn còn có những hạn chế khi khai thác thị trường Ấn Độ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, các cửa hàng ăn uống, ẩm thực của Ấn Độ mở tại Việt Nam còn có quy mô nhỏ. Vì thế, để có thể thu hút được lượng khách Ấn Độ đông trong thời gian tới, các khách sạn lớn cần có chiến lược tuyển thêm đầu bếp Ấn Độ, thêm vào thực đơn các món ăn Ấn Độ.
Còn theo ông Phan Đình Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH HTS International, do đặc tính về văn hóa nên thị trường Ấn Độ tuy tiềm năng nhưng không dễ khai thác. Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân sự du lịch hiện nay, đặc biệt là những hướng dẫn viên du lịch am hiểu văn hóa Ấn Độ, cũng là một trong những khó khăn cần phải lưu ý và khắc phục.
Du lịch Việt Nam đang đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022, lượng trao đổi khách hai chiều với Ấn Độ đạt khoảng 500.000 lượt. Với việc mở các đường bay thẳng đến các điểm du lịch lớn của hai quốc gia, cùng với hoạt động xúc tiến, quảng bá được tăng cường trong thời gian gần đây, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng có thể mở rộng được thị trường khách quốc tế từ thị trường Ấn Độ.
Gửi phản hồi
In bài viết