Đa dạng tour nội địa
Theo các đơn vị lữ hành, du lịch nội địa vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đơn vị khai thác mạnh, tăng doanh thu. Thời điểm cuối năm cũng là “mùa vàng” ở nhiều điểm đến, trong đó nổi bật là mùa lúa chín ở Đông - Tây Bắc, mùa hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, mùa hoa tam giác mạch tại Hà Giang…
Bên cạnh những điểm đến quen thuộc, một số sản phẩm mới được nhiều du khách săn đón, như: Trekking (đi bộ địa hình) trên “sống lưng khủng long” vào mùa lau ở Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh); tham quan vườn hồng chín tại Mộc Châu (tỉnh Sơn La)… Chỉ tính riêng tháng 10 vừa qua, lượng khách đến Bình Liêu tăng 500% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối năm, khi Bình Liêu tổ chức Tuần văn hóa - du lịch và Lễ hội hoa sở; khách du lịch đến Hà Giang tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến còn tiếp tục tăng khi Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch vào tháng 11 này.
Theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Nguyễn Văn Tài, trong khi thị trường du lịch inbound (đón khách quốc tế) còn gặp khó khăn, du lịch nội địa vẫn là thị trường chính. Sản phẩm du lịch nội địa khá đa dạng, nổi bật là ở vùng Đông - Tây Bắc có các điểm đến được nhiều du khách quan tâm, như: Hà Giang, Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng); khu vực miền Trung và miền Nam có các sản phẩm được khách lựa chọn nhiều, là: Quảng Bình, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, dịp cuối năm là thời điểm thị trường hướng nhiều đến các kỳ nghỉ ngắn ngày, phù hợp với các đối tượng là gia đình, bạn bè hoặc đoàn khách thực hiện du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) để tổng kết năm.
Thời điểm này, du lịch học đường cũng được các đơn vị đẩy mạnh khai thác. Giám đốc Công ty Lữ hành Ánh Dương Tours Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mặc dù là sản phẩm “đến hẹn lại lên”, song du lịch học đường đang góp phần làm cho thị trường du lịch Hà Nội và một số tỉnh, thành phố gần Hà Nội như: Hưng Yên, Hải Phòng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sôi động hơn.
“Bùng nổ“ tour du lịch nước ngoài
Bên cạnh thị trường nội địa, du lịch outbound (đưa khách đi nước ngoài) cũng được dự báo sẽ “bùng nổ” vào dịp cuối năm nay. Theo khảo sát, ngay từ tháng 9-2022, các đơn vị lữ hành đã rầm rộ chào bán nhiều chương trình tour cho mùa thu - đông, vui chơi Noel, chào năm mới và Tết Âm lịch.
Giám đốc Công ty Lữ hành VietFootTravel Phạm Duy Nghĩa cho biết, sau hai năm du khách gần như bị “cầm chân” ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay dự báo nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Việt sẽ tăng mạnh. Thị trường châu Âu tuy không phải là mùa cao điểm, song cũng là lựa chọn được nhiều người quan tâm để trải nghiệm mùa đông và mùa mua sắm giảm giá. Hiện đơn vị đang chào bán chùm tour đón mùa đông tuyết trắng tại châu Âu 10 ngày 9 đêm với giá 83,9 triệu đồng/khách; tour đón Noel tại Nhật Bản có giá 30,9 triệu đồng/khách… Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Nguyễn Văn Tài nhận định, một số thị trường đang và sẽ được du khách lựa chọn nhiều từ nay đến cuối năm, là: Singapore, Thái Lan, Bali (Indonesia), Nhật Bản, Hàn Quốc…, bởi đây là những thị trường có dịch vụ tốt và mức giá hợp lý.
Thời điểm này, nhiều đơn vị đã có kế hoạch dài hơi, sẵn sàng các sản phẩm đón Tết Quý Mão. Theo Phó Giám đốc Công ty Vietravel - Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy, đơn vị đã xây dựng sẵn nhiều hành trình từ 3 đến 7 ngày, phù hợp với thời gian được nghỉ Tết. Đáng chú ý là chương trình khuyến mại chào xuân, chính thức mở từ ngày 14-11. Bên cạnh các thị trường truyền thống, đơn vị cũng hướng tới một số thị trường xa, như: Israel, Dubai, Ai Cập, Nam Phi hay các tuyến du lịch tâm linh: Ấn Độ, Myanmar… Công ty dự kiến phục vụ khoảng 188.000 lượt khách trong dịp Tết này.
Mặc dù đã có nhiều điều kiện mở rộng thị trường du lịch quốc tế, nhưng theo các đơn vị lữ hành, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, sự bất ổn về chính trị tại một số quốc gia và chính sách visa ở một số nước chưa thông thoáng đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Mặt khác, do sự chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ và tiền Việt Nam, nên một số tour outbound sẽ tăng hơn trước khoảng 10-15%; một số dịch vụ tour Tết cũng tăng từ 20% đến 30% so với ngày thường.
Trước vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, các đơn vị cần cập nhật thông tin thường xuyên với các đại sứ quán để có chính sách phù hợp cũng như hướng dẫn cụ thể cho du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo thành liên minh tổ chức tour, nhằm bảo đảm sự ổn định, chất lượng dịch vụ tour, nhất là đối với những tour đi nước ngoài. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, khi lựa chọn dịch vụ, du khách nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, lựa chọn những đơn vị uy tín để tránh rủi ro.
Có thể thấy, bức tranh du lịch Việt Nam từ nay đến cuối năm 2022 tiếp tục khởi sắc, tạo đà cho sự phục hồi của thị trường du lịch quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết