Hướng dẫn du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Quang
Khách quốc tế sẽ tăng cao
Chính sách visa mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần đã có hiệu lực và triển khai hơn một tháng, bước đầu mang đến hiệu quả trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu năm đến nay, ngành Du lịch đã đón và phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu đề ra. Việt Nam kỳ vọng sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay khi chính sách visa mới đang phát huy hiệu quả, nhất là khi hoạt động du lịch đang bước vào mùa cao điểm.
Theo thông tin từ nhiều đơn vị lữ hành, lượng khách đặt tour và các dịch vụ đến Việt Nam đã được thực hiện từ nhiều tháng trước đó. Hiện nay, số lượng khách đặt đang tiếp tục tăng.
Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trong 8 tháng năm 2023, đơn vị đã thực hiện được khoảng 75-80% kế hoạch đón khách quốc tế, trong đó có nhiều thị trường từ châu Âu, Hàn Quốc. Từ nay đến cuối năm, Vietravel đẩy mạnh khai thác thị trường khách châu Á. Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái, đơn vị đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ vài tháng trước cho mùa cao điểm năm nay. Dòng khách từ thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ đang được nhiều công ty lưu ý vì có số lượng khách tăng trưởng mạnh thời gian gần đây.
Trong khi đó, Giám đốc Phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lữ hành Vietlux Trần Thị Bảo Thu đánh giá, dòng khách quốc tế du lịch đường biển dự định sẽ tăng mạnh trong năm nay. Đây là dòng khách có chi tiêu cao vì thế các đơn vị cần có kế hoạch để có thể tăng lợi nhuận từ dòng khách này.
Chủ động xây dựng các phương án
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, từ nay đến cuối năm, lượng khách quốc tế dự báo sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ khó có sự tăng đột biến, bởi thị trường còn khó khăn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những biến động của nền kinh tế thế giới. Khách quốc tế sẽ có xu hướng đi theo từng nhóm, gia đình và mức chi tiêu có thể chưa được như trước dịch Covid-19. Bên cạnh những thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu, một số thị trường đang có số lượng khách tăng cao là Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (107%).
Di tích Nhà tù Hỏa Lò - địa điểm thu hút nhiều du khách quốc tế tham quan. Ảnh: Đỗ Tâm
Để có sự chuẩn bị kỹ, đón đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong mùa cao điểm, ngành Du lịch đã có nhiều hoạt động chuẩn bị. Vừa qua, Sở Du lịch Quảng Ninh tổ chức hội nghị “Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo (du lịch Halal) đến Quảng Ninh” với sự tham gia của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các đơn vị lữ hành trong cả nước, nhằm đưa ra nhiều phương án chủ động hơn để thu hút dòng khách này. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, song song với việc khai thác thị trường khách du lịch Hồi giáo gần như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày, đặc biệt chú trọng khu vực Trung Đông.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Câu lạc bộ Du lịch MICE (VMC) tổ chức tọa đàm “Du lịch MICE: Xu hướng và cơ hội” nhằm đưa ra những giải pháp cho các địa phương, đơn vị thu hút dòng khách này, trong đó có thị trường quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) mang đến nhiều lợi nhuận vì đây là dòng khách cao cấp. Việt Nam đang là thị trường du lịch MICE tiềm năng được nhiều khách quốc tế lựa chọn, tuy nhiên so với Singapore, Thái Lan, Malaysia... lượng khách MICE đến Việt Nam còn khiêm tốn.
“Khách MICE thường là những đoàn lớn, có khi cả nghìn người. Vì thế, cần đầu tư bài bản về hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch MICE nhiều hơn nữa trong năm nay”, ông Vũ Thế Bình nói.
Tại Hà Nội, mùa thu đang là mùa cao điểm đón khách, trong đó có khách quốc tế. Xác định, đây là cơ hội lớn để gia tăng lượng khách, ngành Du lịch Thủ đô đã lên các kế hoạch để quảng bá, thu hút du khách. Ngoài việc tổ chức nhiều sự kiện lớn ngay trong tháng 9 và tháng 10, như: Lễ hội mùa thu, Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng..., Hà Nội sẽ ra mắt các sản phẩm du lịch mới. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị giới thiệu chùm sản phẩm du lịch đêm để góp phần tăng trải nghiệm cho du khách khi đến Hà Nội, đồng thời tạo sức hút để khách lưu trú lâu dài hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết