Thị trường máy tính cá nhân tuột dốc, doanh số nhiều thương hiệu chạm đáy

Tổng lượng máy tính cá nhân bán ra trên toàn cầu trong quý III-2022 đã lao dốc kỷ lục, khi chứng kiến mức giảm tới 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê từ hãng phân tích thị trường Canalys, sau khi thể hiện sự giảm tốc trong nửa đầu năm, thị trường máy tính cá nhân toàn cầu đã lao dốc nhanh trong quý III, với lượng máy tiêu thụ tổng cộng chỉ 69,4 triệu chiếc.

Trong các nhóm sản phẩm, mức giảm mạnh nhất nằm ở máy tính xách tay (Laptop), với lượng bán ra chỉ đạt 54,7 triệu chiếc, thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phần mình, máy tính để bàn (Desktop) đạt 14,7 triệu máy bán ra, giảm 11%. 

Xét về từng nhà sản xuất, Lenovo giữ vị trí dẫn đầu, dù suy giảm doanh số tới 16% trong quý vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh số 16,9 triệu máy các loại. Trong khi đó, HP - ở vị trí thứ hai với 12,7 triệu máy - đã chứng kiến quý thứ hai liên tiếp có mức giảm doanh số lớn nhất (tới 28%) trong nhóm các nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. Như vậy, quý III-2022 là giai đoạn doanh số thấp nhất của Lenovo và HP kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ vào đầu năm 2020. 

Không khá khẩm hơn so với đồng hương, Dell cũng ghi nhận mức suy giảm doanh số tới 21%, chỉ còn 12 triệu máy trong quý vừa qua. Về phần mình, Apple kinh doanh có phần sáng sủa hơn, với khoảng 8 triệu máy tới tay người tiêu dùng, tăng trưởng 1,7%, vượt trên ASUS ở vị trí thứ 5 (5,5 triệu máy, giảm 8%).

Thành quả này có được nhờ Apple đã có thể đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường, bất chấp những khó khăn liên quan tới chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Việc tung ra thế hệ Macbook với bộ xử lý M2 mới cũng góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh ổn định. 

Theo các chuyên gia, việc doanh số máy tính toàn cầu suy giảm là do nhu cầu mua yếu ở cả phân khúc tiêu dùng và giáo dục, trong khi khối khách hàng doanh nghiệp lại có xu hướng thận trọng trong chi tiêu đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin do việc làm ăn có nhiều rủi ro dưới tác động khó lường từ thực tế địa chính trị toàn cầu đầy biến động như hiện nay. 

Nhiều trào lưu từng thúc đẩy đáng kể doanh số máy tính cá nhân thời gian qua hiện đã nguội lạnh dần.

Về phía các nhà sản xuất và hệ thống phân phối, dù việc duy trì ưu đãi, khuyến mãi giúp giải phóng hàng tồn kho trước mùa mua sắm cuối năm, thực tế, việc bán hàng có nhiều khó khăn. Lạm phát phi mã và nguồn cung bất ổn kìm hãm hoạt động mua sắm. Hầu như mọi trào lưu kích thích tiêu dùng máy tính theo kiểu truyền thống (như chơi game, ép xung, máy tính đa chức năng…) đã nguội lạnh, khiến chi tiêu mua sắm ngành hàng này giảm. 

Nhìn về tương lai, các ý kiến cho rằng, tình trạng ảm đạm sẽ kéo dài sang năm 2023. Trong bối cảnh chung khá u ám, một số quan điểm cho rằng, “lối mở” của thị trường máy tính cá nhân duy nhất lúc này là các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ phương thức làm việc mới thời hậu đại dịch, và đáp ứng các tiến trình chuyển đổi số diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài ra, nhu cầu thay thế thiết bị cũ trong các doanh nghiệp, công sở và khối tiêu dùng phổ thông cũng được dự đoán sẽ trở lại trong nửa cuối năm 2023, phần nào vực dậy doanh số chung. 

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục