Sau không ít sóng gió do thiếu nguồn cung, thị trường ô tô đã ổn định trở lại.
Cụ thể, báo cáo ngày 13-12 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số toàn thị trường trong tháng vừa qua đạt 36.371 xe, thấp hơn 0,5% so với tháng 10-2022 và thấp hơn 6% so với tháng 11-2021.
Xe du lịch vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với 29.750 xe, tăng 5% so với tháng 10-2022. Trong khi đó, lượng xe thương mại bán ra giảm 19%, xe chuyên dụng giảm 49%. Xe lắp ráp trong nước tới tay người tiêu dùng tháng qua đạt 18.813 chiếc, giảm 6% so với tháng 10. Cùng kỳ, xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt doanh số 17.558 xe, tăng 6%.
Các nhà sản xuất không thuộc VAMA cũng có ghi nhận tương tự. Đơn cử, TC MOTOR trong tháng 11 bán được 7.543 xe, giảm nhẹ so với mức 8.174 xe của tháng 10.
Về phần mình, VinFast sau giai đoạn chuyển từ bán sản phẩm xe xăng sang xe điện đã bắt đầu ghi nhận doanh số tăng trở lại. Tháng 11, hãng đã bàn giao 182 xe VF e34 và 412 xe VF8 cho các khách hàng đặt cọc. Dù kết quả còn khiêm tốn, nhưng cũng cho thấy nỗ lực kinh doanh sản phẩm điện hóa của thương hiệu ô tô Việt có bước tiến đáng ghi nhận.
Mặc dù những con số trên thể hiện sự suy giảm, nhưng thực tế, thị trường ô tô trong nước không hề ảm đạm. Lý do nằm ở chỗ, tháng 11-2021 là giai đoạn đột phá của thị trường ngay sau thời điểm nhiều thành phố lớn chấm dứt giãn cách phòng dịch Covid-19. Hệ quả, lượng tiêu thụ ô tô trong nước giai đoạn này tăng vọt tới 30% so với tháng 10-2021, đạt 38.656 xe. Trong đó, riêng doanh số xe du lịch tăng 40%. Tháng 10-2021 cũng chính là “đáy” của thị trường ô tô cùng năm, với doanh số thấp hơn tới 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặt khác, thị trường chững nhẹ trong tháng 11 cũng một phần do kết quả kinh doanh ấn tượng đã đạt được trong tháng 10. Nhiều dòng xe mới ra mắt đều bung hàng với số lượng lớn trong giai đoạn này, khiến tháng 11 trở thành thời điểm “dưỡng sức”, phục hồi kho bãi.
Nhiều thương hiệu có doanh số tốt nhờ sự góp mặt của các mẫu xe mới ra mắt.
Tuy nhiên, để tránh các rủi ro và tăng cường hiệu quả bán hàng, hầu hết các nhà sản xuất ô tô vẫn tiếp tục dồn sức mở rộng hệ thống kinh doanh và kích thích tiêu dùng qua việc giảm giá bán. Đơn cử, trong tháng 11, Mercedes-Benz đã bổ sung đại lý Vietnam Star Hoàn Kiếm, là đại lý đạt chuẩn toàn cầu MAR2020 đầu tiên ở Việt Nam. Toyota riêng trong tháng 11 cũng đã có thêm đại lý tại các tỉnh Yên Bái, Ninh Bình, Kiên Giang.
Cùng với đó, hoạt động tìm kiếm nguồn cung bổ sung xe cho thị trường trong nước cũng được đẩy mạnh. Theo đại diện một hãng ô tô có nhà máy tại Việt Nam, tình hình thiếu linh kiện hiện đã thuyên giảm đáng kể, cho phép các dây chuyền lắp ráp trở lại hoạt động ổn định.
Nhận định về giai đoạn kinh doanh cuối năm, giới chuyên môn tỏ ra lạc quan, với dự báo thị trường ô tô trong nước sẽ đạt khoảng 529.000 xe bán ra trong năm 2022. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành “bốn bánh” Việt Nam đạt mốc doanh số ấn tượng này.
Mốc mới cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp ô tô, bởi doanh số nửa triệu xe là con số thu hút đáng kể sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này. Thực tế, nhiều ưu đãi chính sách, điều chỉnh hoạt động… cũng đã được các hãng xe xây dựng sẵn và chờ đợi suốt vài năm qua, chỉ còn chờ thị trường “bước qua ngưỡng”.
Gửi phản hồi
In bài viết