Nhiều mẫu xe mới trình làng hứa hẹn kích cầu thị trường trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Hoàng Linh.
Báo cáo ngày 11-6 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, thị trường đã tiêu thụ 25.794 xe, tăng 6% so với tháng 4-2024 và tăng 24% so với tháng 5-2023. Trong đó, xe lắp ráp trong nước đạt 11.985 chiếc, tăng 0,02% so với tháng trước. Xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.809 chiếc, tăng 12% so với tháng trước.
Tình hình tăng trưởng tương tự cũng được ghi nhận ở các nhà sản xuất không thuộc VAMA. Báo cáo cùng ngày do TC Group tự công bố cho thấy, lượng xe Hyundai bán ra thị trường trong tháng vừa qua đạt 4.914 chiếc, tăng trưởng 14,9% so với tháng 4.
Thực tế, sự khởi sắc hiện nay bắt nguồn từ “đáy” doanh số trong giai đoạn tháng 5-2023, khi tình hình kinh doanh các hãng vô cùng ảm đạm do những tác động từ lãi suất cho vay tăng cao và khó khăn của nền kinh tế.
Áp lực tồn kho đối với cả nhà sản xuất và hệ thống đại lý khi đó cũng bóp nghẹt nguồn cung, khiến nhiều dòng xe chủ lực không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Quý II-2023 cũng là khoảng thời gian những thông tin về một đợt giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước xuất hiện, khiến nhiều người tiêu dùng có xu hướng chần chừ, chờ đợi.
Việc doanh số xe nhập khẩu tăng mạnh lại đến từ việc nhiều dòng sản phẩm bán chạy nhất thị trường đều đang nằm trong nhóm này, có thể kể tới Toyota Corolla Cross, Mitsubishi Xpander/XFORCE…
Nổi bật là trường hợp của Hyundai Stargazer, bán được 444 xe trong tháng 5 trong khi không giao chiếc nào tới tay người tiêu dùng trong tháng 4.
Trong khi đó, nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước như Hyundai Accent rơi vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, khiến nguồn cung eo hẹp dẫn tới lượng bán giảm mạnh.
Trong bối cảnh sức mua vẫn bị kìm hãm do tâm lý đợi chờ một đợt giảm lệ phí trước bạ, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng, các nhà sản xuất chọn cách tiếp cận an toàn, duy trì doanh số thông qua lịch trình đều đặn ra mắt xe mới hoặc tung phiên bản mới của những dòng xe sẵn có, kèm theo các chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Đây cũng là lý do tháng qua Việt Nam đón nhận thêm khá nhiều mẫu xe chiến lược, đều thuộc dòng sản phẩm có doanh số cao.
Cái tên mới nhất là XFORCE phiên bản Ultimate, với cấu hình cao hơn toàn bộ các phiên bản đang bán ra trên thị trường. Xe được trang bị đầy đủ hệ thống hỗ trợ lái xe chủ động (ADAS), hệ thống loa Yamaha cao cấp và cốp điện với chức năng đóng/mở rảnh tay.
KIA cùng lúc tung ra Sonet bản nâng cấp giữa vòng đời (New Sonet) và thêm hai phiên bản cho Seltos. Trong đó, New Sonet khác biệt chủ yếu ở cụm đèn trước và sau, vành, đồng thời điều chỉnh một số tuỳ chọn so với thế hệ đang bán ra trên thị trường (ví dụ như 4 phanh đĩa trên các bản Luxury và Premium). Xe vẫn chưa có gói ADAS như một số thị trường khu vực.
Về phần mình, New Seltos có thêm bản 1.5 Deluxe cận cơ sở (giá 639 triệu đồng) và Turbo Luxury ở cận cao cấp (749 triệu đồng). Với mức chênh lệch 40 triệu đồng, người mua phiên bản Deluxe có thêm phanh tay điện tử và Auto hold, màn hình giải trí 10,25 inch, điều hòa tự động 2 vùng và cảm biến áp suất lốp so với bản cơ sở. Trong khi đó, Turbo Luxury "thua" bản 1.5L Premium cao cấp ở gạt mưa tự động, cốp điện, hiển thị kính lái, lẫy chuyển số vô-lăng, đồng hồ tốc độ 10,25 inch, làm mát ghế, sạc không dây, ga tự động, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau. Đổi lại, xe có động cơ tăng áp 1.5L cho 158 mã lực - cao nhất trong phân khúc.
Không chịu thua kém các đối thủ, Hyundai cũng có thêm hai “lính mới” là chiếc Accent 2024 (với 4 phiên bản có giá bán 439-569 triệu đồng) và Grand i10 bản nâng cấp giữa vòng đời. Trong số này, Accent nhận được sự chú ý khi thay đổi toàn diện từ thiết kế, kích thước nội ngoại thất, trang bị tiện nghi, hệ thống an toàn, động cơ - hộp số…, theo hướng nâng cấp hiện đại, thu hút giới trẻ.
Tất cả gương mặt mới nhiều tiềm năng hứa hẹn tháng 6-2024 sẽ bùng nổ về doanh số, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết